Dưới ánh sáng lờ mờ, dáng nhỏ bé, hom hem của bà Trần Ngọc Sương như chao đảo cùng căn nhà cấp 4 xập xệ với tường gạch đầy rẫy những vết nứt toác, ngoằn ngoèo. Từ hôm tòa xử phúc thẩm và tuyên án 8 năm tù, bà đã suy sụp và gầy sọm đi rất nhiều.
Chầm chậm đốt nén hương trên bàn thờ người cha quá cố (anh hùng lao động Trần Ngọc Hoằng), bà Sương ngồi chết lặng nhìn di ảnh cha, khóe mắt nhăn nheo đầy vết chân chim loang loáng nước. Thật lâu sau, bà cất giọng mệt mỏi đầy vẻ cay đắng: “Cuộc đời đúng là không ai học được chữ ngờ. Giờ đây vừa phải chống chọi với bệnh tật, với cáo buộc của cơ quan pháp luật, tôi còn sắp bị người ta buộc ra khỏi căn nhà thuê của Nông trường Sông Hậu (NTSH) này. Nhưng còn sống đến ngày nào, tôi sẽ tìm lẽ phải cho mình đến cùng…”
Không kể về quá khứ vinh quang của mình, nhưng nhìn vào ánh mắt những người còn lại bên bà, người ta dễ dàng nhận ra sự thương yêu, kính trọng. Không máu mủ, nhưng họ tự nhận mình là người thân của bà, được bà dìu dắt, bảo bọc suốt hàng chục năm trời. Để rồi giờ đây khi cơn đau tim luôn hành hạ, họ lại đến bên bà để chăm sóc.
"Còn sống đến ngày nào, tôi sẽ tìm lẽ phải cho mình đến cùng...". Ảnh: Vũ Mai. |
Năm 1965, chỉ 16 tuổi, bà Sương đã đoạt giải nhất cuộc thi nữ công gia chánh tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, như một định mệnh, bà lại chọn ngã rẽ khác cho cuộc đời mình bằng quyết định theo học khóa 1 đại học Nông nghiệp Cần Thơ. Ra trường, bà về NTSH làm việc cùng cha, ông Trần Ngọc Hoằng, người đã có công khai hoang gần 7.000 ha đất.
Theo định hướng của ông Hoằng cộng với quyết tâm phát triển, biến nơi đây thành nông trường kiểu mẫu, bà tiếp tục sang Liên Xô để nghiên cứu về quản lý kinh tế. Về nước, cùng với cha, bà Sương đã vạch ra hàng loạt những kế hoạch, chiến lược để biến vùng đất trũng luôn bị thiên tai ngập lụt thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lo được đời sống cho hàng chục ngàn nông dân tại đây.
Đến ngày 31/10/1992, NTSH trở thành doanh nghiệp Nhà nước, thu hút nông dân vào làm ăn xây dựng nông trường. Với chủ trương phát huy tinh thần tự lực, vượt khó khăn để xây dựng những cơ sở vật chất, nông trường đưa toàn bộ diện tích đất sản xuất lúa lên 2 vụ một năm và áp dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất làm tăng năng suất vượt bậc. Từ đó, NTSH trở thành điển hình của vùng nông thôn mới cho khắp nơi học hỏi và nơi đây cũng nhiều lần được đón tiếp các đoàn lãnh đạo đến thăm, chỉ đạo nhân rộng loại hình nông trường kiểu mẫu.
Với những thành tích trên, một lần nữa, bà Trần Ngọc Sương nối tiếp cha nhận danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. Không dừng lại ở đó, năm 2002, bà còn có mặt trong 15 người xuất sắc nhất trên 11 quốc gia đoạt giải “Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Cầm trong tay số tiền thưởng 10.000 USD, bà nghĩ ngay đến thân phận những trẻ em và phụ nữ nghèo ở Cần Thơ nên đã gửi tặng họ.
Gần 30 năm cống hiến cuộc đời cho nông trường, bà Sương đã quên đi hạnh phúc riêng tư của mình. Giờ đây, trong căn phòng chỉ rộng gần 10 m2, ngổn ngang đồ đạc chỉ đủ chỗ kê tạm chiếc giường xếp, người nữ anh hùng ấy đang phải từng ngày, từng giờ chống chọi với bệnh tật.
Từng hồi chuông điện thoại cứ réo rắt vang lên suốt buổi, rồi từng người lần lượt tìm đến căn nhà ọp ẹp chỉ để hỏi thăm sức khỏe, động viên, an ủi người phụ nữ này. Để khi còn lại một mình, đôi bàn tay xanh xao, nhằng nhịt gân xanh của bà Sương cứ mân mê mãi tập hồ sơ có bút ký lời khen tặng của những vị lãnh đạo từng đến thăm NTSH trong thời kỳ hoàng kim. Nước mắt bà không ngừng tuôn rơi…
Trao đổi với VnExpress.net, luật sư Nguyễn Trường Thành (người bào chữa cho bà Trần Ngọc Sương) cho biết, trong ngày hôm nay (23/11) ông sẽ gửi đơn khiếu nại giám đốc thẩm lên Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND cùng cấp để kêu oan cho thân chủ của mình. Theo cơ quan pháp luật, từ đầu năm 2001 đến cuối năm 2007, trong quá trình giữ chức vụ giám đốc NTSH, bà Sương đã móc nối với cấp dưới tự ý thành lập quỹ riêng từ khoản thu trong hoạt động của nông trường. Nguồn quỹ này do giám đốc Sương trực tiếp điều hành và quyết định thu, chi. Cụ thể, năm 2003 - 2007, bà Sương đã chỉ đạo, bán 4 lô đất của nông trường và nhập toàn bộ vào nguồn quỹ trái phép. Sau đó, bà còn thông đồng với các cấp dưới không đưa vào sổ sách kế toán các khoản thu từ việc bán bạch đàn tại nông trường, cho thuê đất, thu quản lý công trình điện nông thôn... Ước tính, số tiền hơn 8,4 tỷ đồng nhập vào quỹ riêng và sử dụng mua nhà, mua quà sinh nhật, lễ tết, tiếp khách, đi công tác nước ngoài... Theo kết luận giám định tài chính, hành vi lập quỹ trái phép, chi tiêu tùy tiện xảy ra tại NTSH đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng. Ngày 15/8, TAND huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) đã tuyên phạt Trần Ngọc Sương mức án 8 năm tù về tội "Lập quỹ trái phép" và buộc bà này phải nộp bồi thường thiệt hại cho NTSH hơn 4,3 tỷ đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19/11, mặc dù bà Sương vẫn một mực kêu oan và 110 nông trường viên NTSH gửi đơn “xin đi tù thay” vị cựu giám đốc này nhưng TAND tỉnh Cần Thơ vẫn giữ nguyên mức án đối với bà Sương. |
Vũ Mai