Khi tòa tuyên án, bà Trần Ngọc Sương đã không xuất hiện, không có lý do nên HĐXX đã quyết định tuyên vắng mặt bị cáo.
Theo đó, tòa đã bác quan điểm bào chữa của các luật sư và kết luận bị cáo Sương đã phạm tội ‘lập quỹ trái phép”. HĐXX cho rằng, Nông trường sông Hậu (NTSH) là 100% vốn nhà nước vì vậy phải chấp hành theo quy định quản lý của nhà nước. Với cương vị là giám đốc, bà Sương biết rõ tất cả các nguồn thu của nông trường là của nhà nước, nhưng tự ý duyệt chi là vi phạm pháp luật. Cụ thể, từ năm 2001 đến năm 2007, bị cáo Sương đã móc nối với cấp dưới tự ý thành lập nguồn quỹ riêng bằng cách để ngoài sổ sách một số khoản thu từ: bán bạch đàn tại nông trường, cho thuê đất, thu quản lý công trình điện nông thôn, chi tiếp khách... gây thiệt hại trên 4,5 tỷ đồng.
Cũng theo tòa, các luật sư không có căn cứ để chứng minh giám định viên không vô tư khách quan và mức án 8 năm tù đối với bị cáo Trần Ngọc Sương là đúng người đúng tội không oan sai.
Từ đó, HĐXX đã bác toàn bộ kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm 8 năm tù đối với bị cáo Trần Ngọc Sương, 4 năm tù cho bị cáo Đặng Thế Quốc Hưng, nguyên kế toán trưởng. Bị cáo Trương Hồng Nhung, nguyên phó giám đốc, được giảm từ 6 năm tù xuống 5 năm và Nguyễn Văn Sơn, nguyên thủ quỹ, giảm từ 3 năm tù xuống còn 2 năm tù. Tòa cũng giữ nguyên số tiền hơn 4,3 tỷ đồng mà cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo Sương nộp trả lại cho NTSH.
![]() |
Do sức khỏe yếu, bị cáo Sương được ngồi trong suốt phiên xử. Ảnh: T.N |
Trước đó, hai luật sư bào chữa cho bà Sương đề nghị cấp phúc thẩm xem xét, hành vi của bị cáo chỉ dừng ở xử phạt hành chính đã là quá nặng.
Theo luật sư Nguyễn Đăng Trừng, quỹ trái phép mà cấp sơ thẩm cáo buộc là quỹ công đoàn được thành lập từ năm 1979 khi NTSH mới thành lập. Nguồn quỹ này do cha bà Sương chủ trương lập để cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên nông trường trong những năm đầu khó khăn, tồn tại cả 30 năm, ai cũng biết nên không phải là quỹ trái phép… Bên cạnh đó, quỹ công đoàn thực tế được chi vào các khoản như: trợ cấp lương, ốm đau, thi đua khen thưởng, hỗ trợ các gia đình chính sách nên người chịu trách nhiệm quỹ này phải là chủ tịch công đoàn nông trường.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Trường Thành còn cho rằng, vụ án này trong quá trình điều tra, truy tố cho đến khi đưa vụ án ra xét xử đã vi phạm luật tố tụng nghiêm trọng. Việc giám định mức độ thiệt hại là không khách quan, không đúng theo trình tự. Trong giai đoạn điều tra, cơ quan ra quyết định điều tra về tội ‘cố ý làm trái” rồi lại chuyển sang tội “lập quỹ trái phép” là bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, luật sư Thành cũng cho rằng, tòa sơ thẩm cũng đã vi phạm về quyền bị can, bị cáo. “Các bị cáo có quyền được thông qua báo cáo kết quả giám định, được quyền khiếu nại kết quả, được quyền trưng cầu kết quả giám định lại nhưng bị cáo Sương và luật sư đã nhiều lần yêu cầu công bố kết quả và cho triệu tập hội đồng giám định để đối chất về số tiền thiệt hại của vụ án nhưng tòa sơ thẩm đã không đồng ý", luật sư Thành nêu.
Vị luật sư này còn nhận định, nguyên đơn dân sự trong vụ án này "có vấn đề". Cụ thể là phía NTSH không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong quá trình điều tra, truy tố. Cho đến khi vụ án đưa ra xét xử thì phía nguyên đơn này mới có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại theo kết luận của cơ quan điều tra là điều không hợp lý, vi phạm bộ luật tố tụng hình sự.
Tỏ ra mệt mỏi trong suốt phiên xử, bị cáo Sương cũng một mực bác bỏ những kết luận của cấp sơ thẩm. Khi được tòa phúc thẩm cho nói lời cuối cùng trước khi HĐXX vào nghị án, bà Sương nói rằng sẽ tiếp tục kháng cáo, kêu oan đến cùng trong vụ án này.
Nhóm phóng viên