Ngày 21/11, VKSND tỉnh Phú Thọ nêu đề nghị mức án với 92 bị cáo trong vụ án đường dây đánh bạc chục nghìn tỷ xuyên quốc gia sau 9 ngày xét xử. Theo đó, ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) bị đề nghị mức án 7-7 năm 6 tháng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng tội danh, cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hoá bị đề nghị từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù...
Với cáo buộc là một trong những người cầm đầu, cựu chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương bị đề nghị mức hình phạt cao nhất trong vụ án với 11-13 năm tù cho hai tội: Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền. Phan Sào Nam (cựu chủ tịch VTC Oline) bị đề nghị 6-7 năm tù và được xét nhiều tình tiết giảm nhẹ.
VKS xác định Dương dùng danh nghĩa bình phong của công an để liên kết với Phan Sào Nam (chủ tịch công ty VTC Online) và Hoàng Thành Trung (giám đốc công ty Nam Việt - đang bỏ trốn) lập, vận hành game đánh bạc Rikvip/TipClub, doanh thu tính chưa đầy đủ khoảng 10.000 tỷ đồng.
Trong 4.700 tỷ đồng lãi, Dương hưởng gần 1.700 tỷ đồng. Để hợp thức tiền "bẩn", nhà chức trách cho rằng bị cáo này đã "rửa tiền" vào các công ty khác do mình sở hữu. Đến nay tổng tài sản thu hồi mới được hơn 240 tỷ đồng cùng 4 ôtô chưa định giá.
Được tự bào chữa, Dương trình bày: "Sau khi được nghe phần luận tội của VKS cùng mức án đề nghị, tôi xin được nhận trách nhiệm và chấp nhận hình phạt theo đề nghị đó".
Chuẩn bị nội dung trình bày dài 56 trang giấy, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho Dương) cho hay hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng, game online ở Việt Nam vào giai đoạn 2011-2015 diễn biến phức tạp với 45 triệu người dùng, nằm trong 20 quốc gia sử dụng nhiều nhất thế giới.
Theo ông Hoài, hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng, game online cũng là ngành kinh tế dịch vụ, có mặt tích cực là tạo mảng kinh doanh mới nhưng mặt tiêu cực là hệ quả xã hội, tác động đời sống nhiều gia đình.
Trong khi đó, hành lang pháp lý điều chỉnh việc tổ chức game online lại chưa đầy đủ, nhiều lỗ hổng. Do vậy, lực lượng đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao gặp nhiều khó khăn. Điều này theo luật sư thể hiện ở chính lời khai của ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa trong suốt những ngày qua.
"Nếu game được cấp phép thì những người ngồi đây sẽ vô cùng giàu có", ông Hoài nói và cho rằng trong hồ sơ và qua phiên tòa chưa đánh giá về giấy phép mà Bộ Thông tin Truyền thông cấp cho CNC vận hành game G1 vào năm 2016. Bộ này còn cấp phép cho CNC vận hành cổng trung gian.
Luật sư cho hay khi C50 được thành lập, trong quyết định về quy định chức năng của Bộ Công an đã nêu rõ cần lập công ty bình phong. Tuy nhiên, Bộ Công an lại không có quy chế về hoạt động, và thủ tục lập. Vì thế, Dương, C50 và Tổng cục Cảnh sát đều lúng túng trong việc thành lập, quản lý.
Minh chứng cho điều này, luật sư nêu về thân phận mập mờ của CNC khi được thành lập năm 2011 ngay khi có chủ trương đề án công ty bình phong nhưng đến tháng 4/2015 mới có quyết định chính thức công nhận.
Bảo Hà - Phạm Dự