Sau 9 ngày làm việc, gần 10h ngày 21/11, TAND tỉnh Phú Thọ kết thúc xét hỏi với 92 người bị xét xử sơ thẩm về các tội: Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn...
VKS nhận thấy 89 bị cáo thừa nhận tội danh bị truy tố là đúng. Ba bị cáo chưa thừa nhận hoặc còn có một số vấn đề gồm: Lê Thị Lan Thanh, Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50). Trong đó, bị cáo Vĩnh chưa thừa nhận lợi dụng chức vụ mà khai chỉ phạm lỗi gián tiếp, thiếu trách nhiệm. Bị cáo Hóa quanh co chối tội, đổ lỗi cho người khác.
Tại bản luận tội được công bố, VKS đánh giá hậu quả vụ án là đặc biệt nghiêm trọng bởi các bị cáo đã vận hành đường dây đánh bạc hơn hai năm (18/4/2015-8/2017), lôi kéo 43 triệu tài khoản (18 triệu tài khoản có người chơi thực), 6.000 đại lý... Tổng tiền đã nạp từ thẻ cào, nộp để chơi bạc ước tính chưa đầy đủ là gần 10.000 tỷ đồng.
Số tiền thu hồi kỷ lục, tới hơn 1.000 tỷ, tài sản thu hồi hơn 200 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 150 bị can tại 24 tỉnh thành, từ đồng bằng đến miền núi. Số lượng người đủ yếu tố cấu thành tội đánh bạc lên đến chục nghìn người, thành phần từ công chức tới sinh viên.
Tiếp tục điều tra dấu hiệu ăn chia, nhận hối lộ của ông Phan Văn Vĩnh
Trong 92 bị cáo, chỉ cựu tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh và cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
VKS cáo buộc ông Vĩnh đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Dương (chủ tịch Công ty CNC) tổ chức mạng lưới game đánh bạc trực tuyến, thể hiện ở ba giai đoạn. Theo đó, trước khi biết CNC vận hành đường dây đánh bạc, ông Vĩnh đã nhận nhiều báo cáo của Dương đề nghị tạo điều kiện hợp tác vận hành trò chơi trên mạng; xây dựng cổng thanh toán các loại thẻ cào, game, ví điện tử... CNC muốn cổng thanh toán này là lớn nhất, thâu tóm thanh toán game bất hợp pháp vì thế mong được C50 tạo điều kiện.
Giai đoạn hai, khi biết CNC vận hành game bài, ông Vĩnh không chỉ đạo ngăn chặn mà còn đề nghị xin cấp phép hoạt động thí điểm, thể hiện qua việc gửi văn bản sang Bộ Thông tin Truyền thông khi chưa được sự đồng ý của Bộ Công an. "Đây là dấu hiệu tiền trảm hậu tấu", VKS đánh giá.
Ngày 14/5/2015 ông Vĩnh còn ký quyết định công nhận CNC là công ty bình phong. Cơ quan điều tra đã thu được bản chính. Quyết định này tạo cơ hội cho CNC hợp tác với VTC Online để kinh doanh game đánh bạc và phát triển mạng lưới với tốc độ nhanh.
CNC mở trụ sở trong doanh trại công an ở số 10 phố Hồ Giám, vừa có quyết định công ty nghiệp vụ nên "không có cơ quan nào dám đến xem xét xử lý". Đó là lý do cơ quan điều tra không truy trách nhiệm của một số cán bộ tại nhiều cơ quan do không xử lý sai phạm của CNC khi phát hiện. Giai đoạn ba, CNC có hành vi trái pháp luật nhưng ông Vĩnh vẫn trái lệnh cấp trên, tiếp tục chỉ đạo cấp dưới báo cáo sai pháp luật. Giữa năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương gửi công văn đích danh cho ông Vĩnh, Hóa với nội dung nêu rõ CNC vận hành game đánh bạc, yêu cầu báo cáo. Song ông Vĩnh không thực hiện. Khai tại tòa, ông nêu lý do "nhiều việc quá nên quên".
Ngoài ra, ông Vĩnh còn chống lệnh cấp trên, hợp thức, xóa dấu vết khi cấp trên thanh tra, xác minh.
VKS khẳng định: Từ tháng 6/2016 đã biết CNC vận hành game bài Rikvip trái pháp luật nhưng ông Vĩnh vẫn chỉ đạo cấp dưới ủng hộ, "chống lưng". Dù lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo dừng, ông vẫn xin cơ quan chức năng cho thực hiện thí điểm game đánh bạc với lý do lấy kinh phí xây dựng hệ thống phòng thủ chống tội phạm, phục vụ nâng cao đời sống chiến sĩ hàng tháng.
Song thực tế, không có khoản doanh thu nào từ CNC được đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng như cam kết với C50.
Tháng 4/2017 ông Vĩnh còn ký hợp thức công văn không số giúp cựu cục trưởng Hóa che giấu việc ký hợp tác góp vốn 20% của C50 vào CNC. "Có dấu hiệu ăn chia, nhận hối lộ không?", VKS nêu ra và cho hay do "chưa chứng minh có sự ăn chia giữa ông Vĩnh, Hóa nên việc này sẽ tiếp tục điều tra ở giai đoạn hai của vụ án".
Theo VKS, ông Vĩnh, Hóa có vai trò đồng phạm giúp sức Dương tổ chức đánh bạc, do là người có chức vụ quyền hạn nên về bản chất hai ông "có dấu hiệu bảo kê". Tuy nhiên kết quả điều tra chưa đủ căn cứ xác định ông Vĩnh, Hóa hưởng lợi cá nhân nên mới truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại vụ án này.
VKS cho hay ông Vĩnh không phải chịu tình tiết tăng nặng nào. Ông được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ (nhiều thành tích, là thương binh) song không được ghi nhận là thành khẩn bởi tại cơ quan điều tra thì thành khẩn nhưng ở tòa lại không.
VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Vĩnh mức án từ 7 đến 7 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Văn Dương bị đề nghị 11-13 năm tù
VKS đánh giá, Dương giữ vai trò cầm đầu trong nhóm tổ chức đánh bạc, thu lời gần 1.700 tỷ đồng. Dương đã che giấu tiền, đến nay tổng tài sản thu hồi mới được hơn 240 tỷ đồng.
Dương được ghi nhận thành khẩn khai báo về hành vi Tổ chức đánh bạc, nhưng chưa thành khẩn về nơi cất giấu tiền thu lời bất chính.
VKS đề nghị HĐXX tuyên Dương phạt 8-9 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 3-4 năm tù về tội Rửa tiền, tổng hợp hình phạt chung 11-13 năm tù; tuyên tịch thu tiền phạm tội 1.700 tỷ đồng.
Phan Sào Nam bị đề nghị 6-7 năm tù
Nam là người khởi xướng, giữ vai trò chỉ huy VTC Online và Công ty Nam Việt để vận hành đường dây đánh bạc. Nam được chia 1.500 tỷ đồng. Tổng tiền thu hồi của Nam hiện đạt 90,7%.
Nam được hưởng nhiều tình tiết: tự nguyện khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, là người có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động; ra tự thú...
Theo VKS, do có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Nam đầy đủ điều kiện được hưởng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. VKS đề nghị tuyên phạt Nam 3-4 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hình phạt chung 6-7 năm tù.
Nghe đọc đến mình, Nam ngồi nhìn trân trân, mặt buồn rầu.
Vụ án không có 'vùng cấm'
Theo VKS, dù huy động hơn 100 cán bộ công an, lực lượng kỹ thuật tham gia suốt 12 tháng song việc điều tra vẫn chưa thể triệt để. Vụ án liên quan nhiều cấp, ngành. Khẳng định "không có vùng cấm", VKS nói vụ án còn được điều tra tiếp ở giai đoạn hai.
VKS xác định Game Rikvip mô phỏng hình thức xóc đĩa, tài xỉu nên chỉ cần người nào nạp tiền ảo Rik là đủ yếu tố cấu thành tội Đánh bạc.
Trong giai đoạn ban đầu khi cơ quan điều tra chưa thu giữ dữ liệu máy chủ, các bị cáo đã xóa dữ liệu. Đến khi khai thác dữ liệu máy chủ thì thấy lượng người tham gia đánh bạc quá lớn. Do thời gian điều tra có hạn, nhà chức trách trước mắt xử lý những người tham gia sát phạt từ 25 triệu đồng ở mỗi phiên.
Hiện, chỉ những đại lý có giao dịch từ 50 tỷ Rik mới bị truy tố về tội Tổ chức đánh bạc, hơn 100 đại lý có giao dịch lớn hơn 10 tỷ Rik và những trường hợp khác sẽ bị xử lý sau theo quan điểm phạm tội có tính chất mức độ lớn hơn phải xử lý trước.
VKS khẳng định pháp luật nghiêm trị với người dùng thủ đoạn để phạm tội song khoan hồng với người tự thú, thành khẩn khai báo, lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng.
Các bị cáo phạm tội trước khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực nên áp nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, tòa xét xử theo luật mới này.
VKS sẽ xem xét tình tiết giảm nhẹ hình phạt với những bị cáo tự nguyện nộp 1/2 số tiền thu lời bất chính trở lên. Ví dụ, bị cáo Phan Sào Nam tự nguyện nộp 1.300 tỷ trong 1.500 tỷ lời bất chính thì phải khác Nguyễn Văn Dương chỉ nộp hơn 240 tỷ trong 1.700 tỷ.
Một số bị cáo có hành vi tố giác đồng phạm, tích cực hợp tác điều tra cũng sẽ được giảm án.
Nhận thấy nhiều bị cáo không biết game nào là hợp pháp hay không, VKS khuyến cáo muốn biết trò chơi có được cấp phép không phải tra cứu quy định trên cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin Truyền thông, Sở Thông tin truyền thông hoặc thông báo tại nơi cung cấp các trò chơi điện tử
Nếu chưa tra cứu, người chơi phải nhìn trên màn hình phân biệt trò chơi dành cho tuổi nào, có khuyến cáo chơi quá 180 phút mỗi ngày có ảnh hưởng sức khỏe hay không...
Bảo Hà - Phạm Dự