Chiều 2/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết số định danh cá nhân là số gốc để truy nguyên chính xác về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời là công cụ để kết nối các cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ mục tiêu tin học hóa việc quản lý công dân.
"Trên cơ sở chứng minh nhân dân mới với 12 số do Bộ Công an đang triển khai, số định danh cá nhân được bảo đảm cung cấp cho công dân mà không bị trùng trong vòng 500 năm", Thứ trưởng Lê Hồng Sơn khẳng định.
Theo nhà chức trách, sau 20 năm, việc cấp chứng minh nhân dân đã bộc lộ một số bất cập, đặc biệt là cấu trúc số chứng minh nhân dân. Cấu trúc đó không xác định được tính duy nhất đối với công dân, bằng chứng là một người có thể có trên một số chứng minh nhân dân và hai công dân có số chứng minh nhân dân trùng nhau. Để khắc phục bất cập trên, Bộ Công an thiết lập số chứng minh nhân dân mới với 12 số và đây cũng là số định danh cá nhân.
Tại Dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, Bộ Tư pháp cho hay số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, được sắp xếp theo quy luật nhất định và được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Số định danh cá nhân cấp cho mỗi công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không có quốc tịch sống và làm việc tại Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời (ngay cả trường hợp công dân sinh ra ở nước ngoài/công dân thôi/bị tước quốc tịch Việt Nam, khi được trở lại/nhập quốc tịch Việt Nam). Mã số này không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu thông tin công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Việc định danh cá nhân như trên sẽ khắc phục được tình trạng cấp trùng số chứng minh nhân dân hiện hành.
Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Bộ Tư pháp đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Dự thảo.
Theo Pháp luật Việt Nam