Chiều 26/3, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến dân cư.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, đề án được thiết kế theo hướng tập trung ưu tiên cho số hóa, điện tử hóa thông tin, làm nền tảng cho việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư; nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và triển khai cấp số định danh cá nhân.
Số chứng minh thư nhân dân mới gồm 12 chữ số mà Bộ Công an đang thí điểm cấp sẽ là số định danh cá nhân. Mã số này, theo ông Phan cần được cấp cho công dân từ khi sinh ra (đăng ký khai sinh) và theo công dân đến khi chết (đăng ký khai tử).
Chứng minh nhân dân cấp mới với 12 số. Ảnh: Hà Anh. |
Bộ Tư pháp cũng thống nhất, không xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà chỉ điều chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý theo hướng tập trung thông tin cơ bản nhất của công dân; đảm bảo tính cập nhật thông tin và khả năng kết nối, chia sẻ, để các bộ, ngành, địa phương có thể khai thác.
Về việc số định danh cá nhân sẽ thay thế số thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn... Thứ trưởng Tư pháp Lê Hồng Sơn lý giải: "Đây là số duy nhất để truy nguyên công dân trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Công dân chỉ cần biết duy nhất 'mã' này và đây là cơ sở để các ngành kết nối, khai thác, sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư".
Thống nhất quan điểm mỗi công dân cần có một mã số định danh, đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý về trật tự hành chính (Bộ Công an) cho biết, việc này đã được Bộ Công an nghiên cứu từ năm 2010. Việc thí điểm cấp đổi chứng minh thư 12 số từ năm 2012 là bước đi cụ thể trong quá trình thực hiện đề án.
Phương án đánh số trên chứng minh thư mới, theo ông Dung, thực hiện nguyên tắc không trùng lặp. Trong 12 số thì 6 số đầu là mã của địa phương, năm sinh, giới tính theo giấy khai sinh. Khi công dân đủ tuổi làm chứng minh thư (14 tuổi), Bộ Công an sẽ lấy dấu vân tay gán vào số định danh đã cấp khi khai sinh. Như vậy mỗi mã số sẽ đi kèm với định dạng đặc điểm sinh học của công dân.
Đánh giá cao việc cấp mã số định danh nhưng đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông băn khoăn, sau khi Bộ Công an xây dựng kho dữ liệu, các ngành liên quan như thuế, bảo hiểm có được sử dụng thông tin cá nhân này, việc kết nối sẽ như thế nào, cũng như sự quản lý chồng chéo giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an.
Còn đại biểu khác lại bày tỏ lo ngại về tính bảo mật của dữ liệu: "Nếu toàn bộ thông tin được cập nhật, mọi ngành đều có thể tra cứu thì e rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư. Nên chăng cần có cơ chế bảo mật".
Ông Vũ Xuân Dung phát biểu tại hội thảo. Ảnh: A.T |
Theo Cục trưởng Ngô Hải Phan, thông tin trong mã số định danh là cơ sở dữ liệu lõi, chỉ thực hiện kê khai ở 2 lĩnh vực ít biến đổi là hộ tịch (ngành tư pháp quản lý) và hộ khẩu, chứng minh thư (ngành công an quản lý). Khi cần có thể khai thác dữ liệu lõi giải quyết thủ tục hành chính điện tử. Còn lại, mỗi ngành cần xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Việc bảo mật, cũng theo ông Phan, là yêu cầu nghiêm ngặt đặt ra khi xây dựng đề án. Mỗi công dân được cấp mã số định danh đều có một mật khẩu để truy cập cơ sở dữ liệu của bản thân. Cổng truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia này sẽ được thiết kế bộ lọc để chỉ tách ra một lượng thông tin đủ dùng cho từng ngành, đảm bảo yêu cầu bảo mật tuyệt đối.
"Một số ngành sẽ chỉ có được một số thông tin yêu cầu của ngành, còn những thông tin khác sẽ được mã hoá. Vì vậy sẽ không sợ bị xâm phạm đời tư", ông Phan cho hay.
Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế lại cho rằng, không nên dùng mật khẩu vì có thể bị lộ thông tin. Giải pháp là nên bổ sung trường dữ liệu vân tay, ADN vào cơ sở dữ liệu thông tin. "Các cháu bé sinh ra có thể vân tay chưa rõ, nên chăng có thêm dữ liệu là ADN", đại biểu này nêu quan điểm.
Tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, đề án còn nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cần sự chỉ đạo của Thủ tướng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành, địa phương trong quá trình triển khai.
A.Thư