Tại Hội nghị truyền thông báo cáo quốc gia thực thi Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng của Việt Nam tổ chức ngày 7/9, Thanh tra Chính phủ cho biết, Việt Nam tham gia ký công ước ngày 10/12/2003, chính thức có hiệu lực từ ngày 18/9/2009. Lộ trình thực hiện Công ước theo 3 giai đoạn: từ khi ban hành kế hoạch đến hết năm 2011, từ năm 2012 đến 2016, từ năm 2016 đến năm 2020.
Việc thực hiện giai đoạn I của kế hoạch thực thi Công ước đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, khiến công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng” như Nghị quyết Trung ương 3 khóa X đề ra.
Tại hội nghị, Thanh tra Chính phủ thẳng thắn chỉ ra, một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, pháp luật... Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp; đối tượng tham nhũng có cả những người có nhiều công lao, thành tích và cống hiến.
Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng chưa đủ sức động viên. Một số nơi có trình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không bị phê phán, xử lý nghiêm minh...
Các đại biểu quốc tế tham gia Hội nghị. Ảnh: Hoàng Việt. |
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ nhận thấy thể chế chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, chưa minh bạch, chưa xóa được cơ chế "xin - cho". Đây được cho là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, mua sắm công, tổ chức cán bộ, quản lý doanh nghiệp nhà nước...
Nhiều quy định của Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản dưới luật khi triển khai bộc lộ hạn chế như: kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa nghiêm…
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên Hợp quốc tại Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Việt. |
Một số đại biểu của Anh, Mỹ… có mặt tại Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn chưa hoàn thiện khi Việt Nam tham gia Công ước về phòng chống tham nhũng. Họ cho rằng, Việt Nam không phải là nước duy nhất cần có hỗ trợ kỹ thuật về thực hiện Công ước để có thể hoàn thiện khung pháp lý đặc biệt là việc điều tra các trường hợp vi phạm.
Đại diện của UNDP/UNODC cho rằng, trong 5% không tuân thủ yêu cầu của Công ước của Việt Nam tập trung vào việc làm giàu bất hợp pháp; hối lộ trong khu vực tư; trách nhiệm của pháp nhân. Nhiều người giàu lên một cách nhanh chóng, trở thành đại gia nhưng không giải trình được "nguồn gốc" số tài sản đột biến đó.
Việt Nam cần xem xét vấn đề tham nhũng trên cả hai vấn đề: hối lộ và nhận hối lộ. Tham nhũng như một đồng xu hai mặt gồm cả hai yếu tố này. Vị đại diện cũng nhận định tham nhũng là vấn đề mang tính "hệ thống" ở Việt Nam. Việc hiểu và thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng có sự khác nhau giữa các địa phương, bộ, ngành.
Trước những ý kiến của các đại biểu quốc tế, Thanh tra Chính phủ cho hay trong dự luật Phòng chống tham nhũng trình Chính phủ sắp tới, sẽ mở rộng diện đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập; quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm và xử lý với người không giải trình được một cách minh bạch; cán bộ, công chức phải thanh toán qua tài khoản khi mua sắm những tài sản có giá trị lớn. Bên cạnh đó, sẽ bổ sung quy định về việc trong một số trường hợp cụ thể sẽ xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý với người đưa hối lộ nhưng đã chủ động khai báo khi chưa bị phát hiện; bổ sung một số quy định như trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Hoàng Việt