Tại phiên chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ sáng 22/8, đại biểu Lê Như Tiến đã dẫn số liệu về báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng của Chính phủ. Theo đó, toàn ngành thực hiện gần 63.000 cuộc thanh tra, kết thúc gần 53.000 vụ, tuy nhiên, số vụ chuyển cơ quan điều tra chiếm chưa tới 1%, còn lại là xử lý hành chính.
"Báo cáo thừa nhận thất thoát tài sản liên quan tới tham nhũng được phát hiện và xử lý lên tới hàng nghìn ha đất, hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhưng với số vụ chuyển cơ quan điều tra ít như vậy, có xu hướng hành chính hóa các vụ tham nhũng không?", ông Tiến đặt câu hỏi.
Vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng cũng yêu cầu Tổng thanh tra trả lời liệu có việc né tránh, sợ va chạm hoặc lựa chọn "hệ số an toàn cao" trong thanh tra các vụ liên quan tới tham nhũng.
Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh thừa nhận có tiêu cực, nhũng nhiễu, để lộ lọt thông tin trong đội ngũ thanh tra viên. Ảnh: N.Hưng. |
Theo Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh, nguyên nhân số vụ chuyển cơ quan điều tra ít là do mục đích thanh tra chủ yếu tìm ra mặt làm được, chưa được của đối tượng thanh tra để chấn chỉnh sai phạm, thiếu sót, đặc biệt là thực hiện kết luận sau thanh tra.
"Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chúng tôi phải bàn bạc với cơ quan điều tra để thống nhất dấu hiệu để chuyển sang. Cho nên sai phạm nhiều, xử lý hành chính nhiều, chuyển cơ quan điều tra ít", ông Tranh trả lời.
Giải thích về việc ra kết luận chậm, ông Tranh cho biết, công tác thanh tra phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, thanh tra theo đúng các nội dung mà quyết định thanh tra đã ban hành. "Sau khi thanh tra, để tạo sự đồng thuận của các cơ quan chức năng chuyên ngành, chúng tôi lấy ý kiến của các cơ quan đó làm sao cho chính xác, trung thực, khánh quan. Vì vậy, kết luận thanh tra có phần chậm nhưng không phải là e ngại hay chọn hệ số an toàn cao", ông Tranh nói
Cũng liên quan tới hoạt động của ngành thanh tra, đại biểu Lê Như Tiến phản ánh về tiêu cực, nhũng nhiễu của thanh tra viên. Quá trình thanh tra, cơ quan, doanh nghiệp phải lo chăm sóc chu đáo, khi thanh tra về phải lo tiễn đưa hậu hĩnh, "kính gửi đậm đà"...
"Đó là các khoản lệ phí gia tăng theo kiểu luật bất thành văn. Đây có phải là nguyên nhân có của hàng trăm cuộc thanh tra không có kết quả?", đại biểu Tiến chất vấn.
Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh thừa nhận có tiêu cực, nhũng nhiễu, để lộ lọt thông tin trong đội ngũ thanh tra viên. Từ năm 2007 tới 2012, 16 cán bộ thanh tra đã bị xử lý, trong đó 2 người bị xử lý hình sự, một người bị buộc thôi việc.
Trả lời câu hỏi về giám sát việc kê khai tài sản để góp phần chống tham nhũng của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), ông Tranh cho hay, hàng năm trên 100.000 cán bộ, công chức thuộc diện kê khai tài sản. Song, việc này rất hình thức và không công khai. "Tới đây sửa luật phòng, chống tham nhũng, mở rộng đối tượng kê khai, buộc phải công khai tại nơi làm việc, nơi cư trú, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm", ông Tranh nói
Ông Huỳnh Phong Tranh cho hay, trong thời gian qua, số lượng các vụ khiếu nại tố cáo tăng cao, nguyên nhân là do do có nhiều vụ việc chưa giải quyết đến nơi đến chốn. Trách nhiệm này thuộc các cấp, các ngành, trong đó có Thanh tra Chính phủ. Hiện, còn 528 vụ việc kéo dài, tình hình rất phức tạp, gây mất ổn định. Thanh tra Chính phủ đang tiến hành rà soát giải quyết 300 vụ việc.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu người đứng đầu Thanh tra Chính phủ thúc đẩy việc giải quyết cơ bản các vụ khiếu kiện tồn đọng phức tạp ở cấp trung ương và địa phương trong thời gian từ nay tới năm 2013, đồng thời, không để hoặc hạn chế tối đa phát sinh các vụ việc mới.
Nói về hoạt động của thanh tra đối với đấu tranh phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là "trách nhiệm lớn của Thanh tra Chính phủ trước Đảng, Nhà nước và nhân dân". "Đề nghị các đồng chí chỉ đạo, trong quá trình thanh tra, có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan điều tra để phối hợp và xử lý nghiêm", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.
Liên quan tới hoạt động thanh tra các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Chủ tịch Quốc hội giao nhiệm vụ ngành thanh tra góp phần ngăn chặn thất thoát và cũng như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Nguyễn Hưng