Xe máy là một trong những phương tiện có nguy cơ cháy, nổ cao vì luôn chứa xăng, dầu là những chất dễ cháy. Khi xăng rò rỉ, hóa hơi và gặp nguồn nhiệt thích hợp đám cháy sẽ bùng phát. Với loại phương tiện này, nguồn nhiệt có thể là tia lửa điện từ hệ thống đánh lửa bị hở, từ vị trí tiếp xúc đấu nối với bình ắc quy, do ma sát hoặc do tĩnh điện…
Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Khương, Phó trưởng khoa Chữa cháy, trường Đại học PCCC, bình chứa xăng trên xe máy có thể phát nổ trước hoặc trong khi đám cháy diễn ra.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Khương, Phó trưởng khoa Chữa cháy, Đại học PCCC. Ảnh: Thế Hoàng. |
Trường hợp nổ thứ nhất xảy ra khi bình chứa còn ít nhiên liệu, vì một nguyên nhân nào đó, không khí lọt vào bình chứa và hòa trộn với hơi xăng sẵn có tạo thành hỗn hợp có tỷ lệ nằm trong giới hạn cháy, nổ. Khi hỗn hợp này tiếp xúc với nguồn nhiệt thích hợp (tia lửa điện hoặc tia lửa phát ra do va đập giữa các chi tiết kim loại, …) chúng sẽ phát nổ và thiêu rụi toàn bộ xe máy, gây thương vong, đồng thời có thể gây cháy các phương tiện hoặc công trình xung quanh.
Trường hợp thứ hai, khi hơi xăng, dầu bắt lửa ở vị trí bị rò rỉ, tiếp sau ngọn lửa sẽ cháy đến các chi tiết khác làm từ nhựa, cao su… Đám cháy dần lan rộng, nhiệt sản sinh lớn tác động làm xăng trong bình bay hơi nhanh, khi áp suất bên trong vượt quá giới hạn, kết cấu bình sẽ bị phá vỡ (hiện tượng nổ cơ học). Xăng và hơi xăng thoát ra ngoài tạo ra đám cháy phát triển mạnh hơn và diễn biến phức tạp.
Khi xảy ra cháy nổ trên phương tiện xe máy, nếu không được ngăn chặn kịp thời, hậu quả từ những vụ cháy sẽ khôn lường. Bên cạnh những tổn thất mà chủ xe phải gánh chịu, thì từ một chiếc xe máy đám cháy có thể lan sang những phương tiện, khu vực khác. Khi xảy ra trên diện rộng hoặc kèm theo hiện tượng nổ bình xăng thì thương vong hay tử nạn cũng là điều khó tránh khỏi.
Phòng cháy hơn chữa cháy
Chiếc xe dù tốt tới đâu, nhưng theo thời gian sử dụng chất lượng các chi tiết sẽ dần xuống cấp. Vỏ cách điện nứt vỡ, chuột cắn dây, các điểm đấu nối không tốt, rất dễ phát sinh ra tia lửa điện. Nhiệt do ma sát hay đánh lửa do va đập giữa các chi tiết kim loại...đều có thể là tác nhân khơi mào cho sự xuất hiện của đám cháy.
Sử dụng lâu ngày cộng thêm điều kiện vận hành khắc nghiệt, gioăng cao su biến chất hoặc vỏ bình thủng do mục. Xăng rỉ ra ngoài, hơi xăng nặng hơn không khí, khó khuếch tán, tích tụ lại tạo ra hỗn hợp cháy, nổ. Do đó người sử dụng cần thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ để sớm phát hiện và khắc phục những hư hỏng như rò xăng hay hở điện.
Vụ nổ xe máy ở Bắc Ninh khiến một thai phụ chết thảm, cháu bé 4 tuổi bị thương nặng. Ảnh Độc giả cung cấp. |
Tiến sĩ Khương khuyến cáo trong quá trình vận hành xe, nếu phát hiện thấy có mùi xăng bất thường hay mùi khét lạ, người sử dụng nên tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục sự cố trước khi quá muộn.
Hơi xăng nặng mùi là dấu hiệu cho thấy xăng đã bị rò rỉ hoặc bình chứa xăng bị hở. Nếu khu vực để xe kín, thì nguy cơ tạo thành hỗn hợp nguy hiểm cháy, nổ rất cao. Mùi khét có thể do vỏ dây cao áp bị nứt, tia lửa điện phóng qua các vị trí hở sẽ đốt cháy phần cách điện. Đôi khi mùi khét là do lớp mỡ trên các cực ắc quy bị cháy vì đầu dây với bình tiếp xúc không tốt tạo ra tia lửa lúc xe khởi động…
Theo ông Khương, trường hợp khi xe để trong nhà, nếu phát hiện thấy nặng mùi xăng, ngay lập tức phải mở tung các cửa và đồng thời sử dụng các phương tiện thô sơ (quạt nan, quạt giấy…) để lùa, khuếch tán hơi xăng ra môi trường bên ngoài. Tuyệt đối không có các thao tác làm phát sinh tia lửa (bật bếp, bật công tắc đèn, quạt điện...), vì nguy cơ nổ có thể xảy ra.
Biện pháp xử lý khi gặp xe cháy
Tùy thuộc vào tình huống cháy cụ thể mà người chữa cháy sẽ sử dụng những giải pháp thích hợp.
Ngày 27/10/2011, chiếc Air Blade bốc cháy ngùn ngụt trên phố Hai Bà Trưng khiến người dân hoảng hốt. Ảnh Hoàng Hà. |
Xe cháy ở trong nhà
Nếu xe máy cháy trong nhà, cần mau chóng mở toang các cửa (để giải phóng áp suất nổ nhằm tránh phá hủy các cấu kiện xây dựng khi xảy ra nổ bình xăng). Nhanh chóng sử dụng phương tiện như: chăn, mền (hoặc áo khoác rộng) đã thấm nước, phủ kín lên vị trí đang cháy trên xe, nhằm cách ly vùng cháy với khí ôxi trong không khí từ ngoài khuếch tán vào, sự cháy sẽ hết.
Mặt khác, có thể sử dụng các bình chữa cháy bằng khí hoặc bột để dập tắt đám cháy (nếu có). Đồng thời với quá trình tự xử lý sự cố thì cần gọi ngay cho cơ quan phòng cháy chữa cháy theo số 114. Người gọi cần bình tĩnh, nói rõ họ tên, địa chỉ nhà có cháy để đội PCCC kịp thời can thiệp.
Ông Khương nhấn mạnh, tuyệt đối không sử dụng xô, chậu hay các phương tiện khác để hất nước vào đám cháy. Xăng không hòa tan trong nước và nhẹ hơn nước, khi hất nước vào nó sẽ bắn tung xăng dầu đang cháy ra xung quanh, chúng nổi trên bề mặt nước và vẫn tiếp tục cháy. Không những thế, ngọn lửa còn theo dòng nước cháy lan sang khu vực lân cận khiến đám cháy càng nghiêm trọng hơn.
Xe cháy trong bãi để xe
Người phát hiện cần hô hào mọi người xung quanh để nhận thêm sự hỗ trợ, ấn chuông báo cháy, nhanh chóng cách ly các xe xung quanh khỏi xe đang cháy, sử dụng các phương tiện thô sơ như: bình chữa cháy bằng bột, khí được trang bị tại các gara xe để dập tắt đám cháy. Song song với quá trình xử lý sự cố cháy để hạn chế nguy cơ lan rộng, phải nhanh chóng gọi ngay số điện thoại khẩn cấp 114 để được kịp thời dập tắt đám cháy và tìm cách tránh xa khu vực cháy để hạn chế thương vong.
Tết sắp đến là thêm nguy cơ cháy nổ ở các bãi trông giữ xe tự phát, nơi mà hầu không được trang bị các phương tiện chữa cháy. Người trông giữ phương tiện thiếu kiến thức về phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, các xe ở đây thường hay khóa cổ, khóa càng, khiến cho việc di chuyển, cách ly xe chưa cháy ra khỏi khu vực tác động của đám cháy gặp nhiều khó khăn. Một khi cháy xảy ra hậu quả sẽ rất nặng.
Xe cháy khi đang đi trên phố
Chủ xe cần hô hoán mọi người xung quanh hỗ trợ, tìm phương án cách ly xe cháy. Sử dụng vật dụng thô sơ kể trên để ngăn chặn (các phương tiện có thể huy động từ các nhà dân hoặc các cửa hàng trên phố). Gọi 114 để lực lượng chuyên nghiệp đến kịp thời dập tắt đám cháy, tránh xa phương tiện đang cháy đề phòng nổ bình nhiên liệu.
Thế Hoàng