Nếu áp suất không đúng, không chỉ làm giảm tuổi thọ lốp, tăng mức tiêu thụ nhiên liệu, mà còn ảnh hưởng đến an toàn của chính bản thân người sử dụng xe.
Cách nhận biết lốp gặp vấn đề về áp suất
Để nhận biết, có một số cách cơ bản. Hiện có nhiều mẫu xe trang bị cảm biến áp suất lốp (TPMS), công nghệ thông báo áp suất lốp ngay trên bảng đồng hồ. Thậm chí là tiêu chuẩn ở một số quốc gia phát triển. Tài xế có thể theo dõi và biết được khi nào cần mang xe đi bơm lốp. Thông thường, nếu chỉ số giảm 25% so với tiêu chuẩn, đèn thông báo sẽ sáng lên. Nhiều tài xế Việt chọn phương án "độ" thêm công nghệ này để tiện theo dõi.
Với những xe không có cảm biến áp suất lốp, tài xế có thể mua thêm đồng hồ đo áp suất cầm tay, hoặc dựa vào cảm giác. Nếu 2 lốp phía trước bị non hơi, vô-lăng sẽ rung và nặng hơn bình thường, xe có xu hướng mất kiểm soát khi vào cua. Lốp sau non hơi khó phát hiện hơn so với lốp trước, và xe chỉ biểu hiện bằng cảm giác mất bám, khi vào cua văng đuôi nhiều hơn.
Tình trạng lốp căng hơi ít gặp hơn, vì khi bơm, thợ sẽ kiểm tra áp suất lốp sao cho đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Trường hợp lốp căng hơi chỉ thường gặp trên đường cao tốc (Việt Nam ít gặp trường hợp này do đường cao tốc chưa nhiều và tốc độ giới hạn không quá cao). Và thứ hai là di chuyển quá lâu dưới trời nắng nóng. Bánh xe quay nhanh và thời tiết nắng nóng đều khiến không khí bên trong nóng lên, nở ra. Đến khi vượt quá giới hạn, lốp xe sẽ bị hư hại, tệ hơn là gây nổ lốp.
Lợi ích bơm lốp xe đúng áp suất
Để bơm đúng áp suất, việc đầu tiên cần làm là tìm bảng thông tin lốp của chiếc xe. Bạn có thể tìm thấy chúng ở trên miếng dán bên cửa phía người lái, dọc khung cửa cabin; trong hộc để đồ; xe sang thường ở mặt trong nắp nhiên liệu; và sách hướng dẫn sử dụng xe. Lưu ý, áp suất ghi trên hông lốp không phải áp suất chuẩn. Đó chỉ là áp suất tối đa của lốp.
Công việc tiếp theo chỉ đơn giản là bơm sao cho đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Nếu chỉ số cao hơn chuẩn, dùng móng tay hay ngòi bút ấn vào tim sắt ở giữa van, nhấn đầu vòi xả bớt hơi và kiểm tra lại. Nếu chỉ số thấp hơn, chỉ việc bơm thêm và kiểm tra lại. Lặp lại cho đến khi đạt được áp suất chuẩn.
Bơm lốp đúng áp suất giúp xe lăn trên đường với toàn bộ mặt lốp. Mặt tiếp xúc trải đều, tiếp xúc tối đa và mòn đều trên bề mặt lốp. Bên cạnh đó còn đi cùng những lợi ích trực tiếp tới người sử dụng như độ êm ái tối ưu nhất, vào cua ổn định, quãng đường phanh ngắn nhất và tiết kiệm nhiên liệu.
Trái lại, nếu bơm quá căng, chỉ có phần giữa lốp xe tiếp xúc mặt đường và do đó hao mòn nhanh ở phần giữa. Mặt tiếp xúc lốp ít, dẫn đến quãng đường phanh dài, giảm ổn định khi vào cua, độ bám giảm, lốp xe căng và di chuyển không êm ái. Hơn nữa sẽ làm giảm tuổi thọ lốp (giảm độ bền khung lốp).
Nếu để lốp non hơi, các tác hại là tương tự. Chỉ khác lốp sẽ bị mòn 2 cạnh bên do chỉ tiếp xúc với mặt đường bằng 2 cạnh lốp. Trung bình, nếu áp suất lốp thấp hơn quy định 0,2 bar, lượng tiêu thụ nhiên liệu sẽ nhiều hơn 1% và tuổi thọ lốp giảm 10%. Con số tương ứng lần lượt là 4% và 50% nếu thấp hơn quy định 0,6 bar.
Mức áp suất lốp chuẩn của một số mẫu xe ở Việt Nam:
kg/cm2 |
bar |
kPa |
|
Kia Morning |
2,2 |
2,2 |
221 |
Toyota Innova |
2,3 |
2,3 |
228 |
Mazda CX-5 |
2,5 |
2,5 |
250 |
Kia Carens |
2,2 |
2,2 |
221 |
Theo lời khuyên từ nhà sản xuất, người sử dụng nên mang xe đi kiểm tra áp suất lốp cho cả 4 bánh mỗi 14 ngày/lần, và cho cả lốp dự phòng. Ngoài ra, nên kiểm tra trước và sau mỗi chuyến đi dài.
Luôn kiểm tra lốp khi đã nguội hẳn, do hơi trong lốp sẽ nở ra khi nóng nên các chỉ số hiển thị trong chính xác. Thông thường áp suất lốp tự tăng (trời nóng) hoặc giảm (trời lạnh) khoảng từ 1-2 psi cho mỗi 5-6 độ C. Và đặc biệt không xì lốp khi vẫn đang nóng.
*Thợ bơm điều chỉnh áp suất chuẩn (250 kPa) trên Mazda CX-5:
Thế Anh