Cao tốc là đường được thiết kế, xây dựng dành riêng cho ôtô được phép chạy với tốc độ cao hơn những đường bình thường mà vẫn đảm bảo an toàn.
Trên cao tốc, các xe nên chạy với tốc độ tiệm cận với tốc độ tối đa của làn đó để giúp các dòng phương tiện lưu thông nhanh.
Đường cao tốc cho phép chạy tối đa 100 km/h ở điều kiện mặt đường khô thoáng, thời tiết tốt thì các phương tiện nên đạt tới tốc độ đó. Chạy chậm hơn, chẳng hạn 80 km/h ở làn ngoài cùng, làn giữa theo chiều đi mà phía trước không bị cản trở là ảnh hưởng tới lưu thông. Chạy chậm hơn tốc độ tối thiểu và chậm hơn tốc độ tối đa mà không nhường đường khi đủ điều kiện cho xe sau vượt, cả hai hành vi này đều gây cản trở, vi phạm luật giao thông. Nhưng nếu chạy nhanh hơn tốc độ tối đa, không giữ khoảng cách an toàn, cũng là hành vi vi phạm giao thông và bị pháp luật nghiêm cấm.
Như vậy có một câu hỏi, giả sử xe A đi trên cao tốc ở làn trong cùng bên trái theo chiều đi, duy trì vận tốc 119 km/h ( tốc độ tối đa ở làn này cho phép 120 km/h ) thì có coi là chiếm dụng làn đường bên trái, ôm làn? Khi đó xe B ở phía sau chạy quá tốc độ cho phép, khoảng 140 - 150 km/h, khoảng cách dần thu hẹp với xe A và nhất quyết xin vượt.
Về tâm lý tình cảm, tùy tình huống, tùy thái độ xin vượt và làn đường bên ngoài thế nào, xe A có thể nhường cho xe B vượt, còn xe B vượt quá tốc độ đã có các anh công an lo.
Nhưng chỉ căn cứ vào luật giao thông Việt Nam thì xe A không nhường vì đã đi với tốc độ tối đa, vì cũng rất bận việc gấp như đưa vợ đi đẻ mà vẫn phải tuân thủ luật giao thông, không dám chạy quá tốc độ, không cho xe B vượt thì xe A có vi phạm?
Trong trường hợp này xe A đã đi tới tốc độ tối đa cho phép, nếu áp dụng "xe chạy chậm hơn phải đi về phía bên phải" liệu có đúng? Xe sau chạy tốc độ "bàn thờ" đòi vượt, liệu có áp dụng điều khoản "đủ điều kiện an toàn..."? Hơn nữa, đường cao tốc Việt Nam chưa thiết kế làn dành riêng cho các xe vượt. Luật giao thông Việt Nam cũng chưa quy định bắt buộc phải điều khiển phương tiện vào làn giữa, làn trong để dành hẳn một làn ngoài cùng bên trái cho các xe vượt; vượt xong phải vào trong giống như bên Âu/Mỹ mà một số người thường xuyên dẫn chứng.
Có lẽ bên Âu/Mỹ đường cao tốc của họ mỗi chiều xe chạy có nhiều làn hơn đường cao tốc của Việt Nam ta chăng? Đường cao tốc của ta thông thường có 3 làn xe chạy mỗi chiều nếu không tính làn dừng khẩn cấp, để trống một làn cho xe chạy vội có lãng phí? Thay vào đó rất nhiều tuyến cao tốc loại A thiết kế làn trong và làn giữa cùng 120 km/h, hoặc cùng 100 km/h. Chỉ duy đường Hà Nội - Bắc Giang mới nâng cấp lên cao tốc và trong quá trình hoàn thiện mới phân ra nhiều tốc độ và cho xe máy đi lên ở một số đoạn.
Nói như vậy không phải là không thấy cái hay trong văn hóa giao thông của Tây, mà trong thực tế tham gia giao thông, có thể hãy đi ở làn ngoài, để dành làn đường sát dải phân cách cho các xe cần đi nhanh vượt lên là văn minh nhất.
Hy vọng đường cao tốc Việt Nam sẽ có thêm nhiều làn hơn nữa, ý thức của người tham gia giao thông ngày càng nâng cao và tự giác chấp hành hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta quá lạm dụng dẫn chứng nước ngoài mà không tính đến điều kiện thực tế và pháp luật sở tại thì e rằng có vẻ như hơi vọng ngoại không?
Độc giả Nguyễn Phúc Tâm