Hai ông lớn đến từ Nhật Bản vẫn chiếm thế thượng phong trong phân khúc 150 phân khối, với các phiên bản của hai serie nổi tiếng là CBR150R và YZF-R15. Im hơi lặng tiếng một thời gian, gần đây cả Honda và đối thủ Yamaha bất ngờ giới thiệu hai mẫu mới trong series là CBR150R 2012 và YZF-R15 2.0.
Lẽ tất nhiên, thế hệ sau bao giờ cũng cải tiến hơn về công nghệ, thiết kế để tối ưu hóa tính năng vận hành. Trong khi CBR150R là một chiếc sport-city đa năng thì YZF-R15 lại là một sportbike tuổi nhỏ đích thực.
CBR150R 2012 tại Hà Nội. |
Môtô cỡ nhỏ nhà Honda thừa hưởng đường nét thiết kế từ đàn anh VFR1200F, mẫu xe dẫn đầu trong phân khúc sport-touring. Nhờ đó, CBR150R mang dáng vẻ khỏe khoắn, chắc chắn và tiện dụng trong nhiều điện kiện. Tay lái cao, góc lái mở rộng, trục cơ sở ngắn nên người lái có thể thoái mái điều khiển xe chứ không vất vả nhoài người về phía trước như những môtô dạng "chồm". Đây cũng là điểm thiết kế lợi thế hơn của CBR150R so với R15 vì không quá kén chọn vóc dáng người sử dụng.
Phần yên người lái và yên sau tách rời với chiều cao và khoảng cách hợp lý tạo sự thoải mái cho cả người ngồi sau để chinh phục những cung đường dài mà không bị mệt mỏi. Với hai tay nắm yên sau, chủ nhân cũng dễ dàng quay xe ở những nơi không gian hẹp. Đây cũng là điểm không có trên thiết kế R15.
Nếu CBR150R mang đến sự khỏe khoắn và đa năng thì YZF-R15 lại tối ưu hóa thiết kế của một sportbike. Thừa hưởng vẻ đẹp của đàn anh YZF-R6 nên R15 mạnh mẽ, sắc sảo bởi những đường cắt cá tính trên bộ quây, phần đầu và những chi tiết khác.
YZF-R15 thể thao, sắc sảo như đàn anh YZF-R6. |
So với phiên bản 1.0, YZF-R15 2.0 đã tách rời yên sau và yên trước, phần đuôi vểnh lên cao khắc họa rõ nét hình ảnh một chiếc sportbike bước ra từ những đường đua. Tay lái khép góc như YZF-R6, chiều cao yên 800 mm cùng bình xăng gồ cao, vị trí để chân, cần số mang lại tư thế cầm lái đặc trưng xe "chồm", hơi vất vả khi đi trên phố nhưng lại lý tưởng cho những người đam mê tốc độ và sự bất kham của dòng sport. CBR150R không đáp ứng được những đặc tính này khi tối ưu hóa sự tiện dụng trong nhiều hoàn cảnh.
Cả CBR150R và YZF-R15 đều có trái tim là khối động cơ 150 phân khối xi-lanh đơn, làm mát bằng dung dịch, hộp số 6 cấp, phun xăng điện tử. CBR150R đạt công suất 17,6 mã lực tại vòng tua 10.500 vòng/phút, nhỉnh hơn một chút so với con số 17 mã lực tại 8.500 vòng/phút của YZF-R15. Tuy nhiên CBR150R lại đạt công suất cực đại ở vòng tua muộn hơn.
Điểm khác biệt lớn nhất trong động cơ của hai mẫu xe này là trục cam (camshaft). CBR150R sử dụng cam đôi DOHC (Double Overhead Camshaft) còn YZF-R15 trang bị cam đơn SOHC (Single Overhead Camshaft). DOHC giúp chiếc xe của Honda vận hành 4 van trên xi-lanh, tối ưu hóa quá trình nạp và xả nhiên liệu cũng như chất lượng cháy của động cơ, tạo sự ổn định khi xe chạy ở tốc độ tua máy cao. Ngược lại, SOHC mang đến cho thành viên nhà Yamaha sự gọn gàng, giảm trọng lượng, đạt mô-men xoắn cao tại vòng tua máy thấp, cải thiện khả năng tăng tốc.
Như vậy, nếu chỉ nhìn vào thông số kỹ thuật thì YZF-R15 và CBR150R không có sự khác biệt quá xa về động cơ và khả năng vận hành. Chỉ khi xe lăn bánh trên đường, so sánh kết hợp cả động cơ và thiết kế bên ngoài, mỗi chiếc xe mới thể hiện được hết ưu nhược điểm.
Như mục đích ban đầu của mỗi hãng khi sản xuất, Honda nhắm CBR150R tới hình ảnh một chếc sport-city, còn Yamaha đưa YZF-R15 thành một sportbike đích thực. Trên đường phố, CBR150R chiếm ưu thế nhờ sự ổn định, người lái dễ dàng điều khiển xe qua những đoạn đường đông đúc bởi tư thế ngồi thoải mái, tay lái rộng kết hợp tay côn nhẹ nhàng. Xe lướt êm trên phố ở dải tốc độ 40-50 km/h.
CBR150R có tư thế ngồi thoải mái. |
YZF-R15 thì lại hơi gằn khi đi ở những cấp số thấp trong phố, chủ xe luôn phải với người về phía trước nên cảm thấy không được thoải mái. Tuy nhiên, khả năng bất ngờ tăng tốc lên 60-70 km/h để vượt qua những đoạn đường nhỏ, kẹt xe lại là thế mạnh của R15 ở nội thị.
Trên đường cao tốc, hai mẫu xe đều thể hiện được sức mạnh riêng biệt của mình. Động cơ DOHC giúp CBR150R đạt ngưỡng tốc độ 100 km/h từ vạch xuất phát sau khoảng 12 giây, trong khi đó R15 chậm hơn một chút, xấp xỉ 13 giây. Nhưng ở tốc độ cao thì ngược lại, sản phẩm của Yamaha lại cho thấy khả năng tăng tốc nhanh hơn khi liên tục gảy số và giữ dài vòng ga.
Ở dải tốc độ cao 120 km/h, CBR150R và R15 thể hiện sự đầm chắc, kính chắn gió và thiết kế khí động học giảm thiểu đáng kể lực cản tác động vào người lái. Tuy nhiên, ở tốc độ lớn hơn 120 km/h hay khi ép vòng tua máy lên cao khoảng 9.000 vòng/ phút, cả hai đều bắt đầu xuất hiện dấu hiệu rung tay lái.
YZF-R15 nhanh chóng chinh phục dải tốc độ 120 km/h. |
Chạy đường dài, CBR150R thắng thế nhờ tư thế ngồi thoải mái, trọng tâm không bị dồn xuống hai vai và cánh tay như YZF-R15. Nhưng khi núp gió chạy tốc độ cao, hạ trọng tâm người lái thực hiện những pha úp cua thì YZF-R15 cho thấy sự sắc bén và linh hoạt trong xử lý, kết hợp hài hòa tay ga, tay côn và cấp số phù hợp. Cảm giác phiêu cùng tốc độ mà R15 mang lại chắc chắn sẽ ăn điểm hơn so với CBR150R.
Khó có thể khẳng định "người thắng, kẻ thua" vì mọi sự so sánh đều khập khiễng. Với bản chất sport-city giúp thích ứng nhiều loại địa hình, thân thiện với người sử dụng, CBR150R khá dễ tính, chủ nhân sẽ chỉ mất một thời gian ngắn để làm quen và có thể thuần thục. Ngược lại, sportbike nhỏ tuổi của Yamaha lại phô diễn nét thể thao, mạnh mẽ từ dáng vẻ đến vận hành, chính vì thế YZF-R15 kén chủ hơn, đòi hỏi thời gian để làm quen dài hơn so với CBR150R.
Nếu sở hữu vóc dáng vừa phải và muốn chạy xe hàng ngày trong phố thì CBR150R là lựa chọn hàng đầu. Còn YZF-R15 sẽ dành cho chủ nhân cá tính, yêu thích sự mạnh mẽ và có vóc dáng đủ để "ghìm cương" chú ngựa này.
Hiện tại, giá bán CBR150R vào khoảng 98 triệu đồng, trong khi đó YZF-R15 nhỉnh hơn một chút, ở mức 118 triệu đồng.
>> Ảnh chi tiết Honda CBR150R
>> Chi tiết Yamaha YZF - R15 2.0
Đức Huy
Ảnh: Đức Huy, Thu Giang