Ngày 10/2, bà Trịnh Vĩnh Trinh - người đại diện của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - đã gửi đơn tới Sở Văn hoá Thể thao Du lịch Hà Nội, Cục nghệ thuật biểu diễn và các cơ quan ban ngành khẳng định đêm nhạc Trịnh do Liên đoàn xiếc Việt Nam và công ty Mediamax tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội tối 7-8/3 chưa thực hiện tác quyền với gia đình bà. Trịnh Vĩnh Trinh yêu cầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn rút giấy phép. Bà khẳng định, dịp 8/3 năm nay tại Hà Nội, đêm nhạc Trịnh duy nhất được gia đình bà cho phép sử dụng các ca khúc của Trịnh Công Sơn là do công ty IB Group tổ chức. Bản thân bà Trinh cũng trực tiếp tham gia chương trình với tư cách cố vấn nghệ thuật.
Lúc sinh thời, Trịnh Công Sơn rất yêu quý Trịnh Vĩnh Trinh và tâm đắc với tiếng hát của em gái. |
Trong khi đó, ông Vũ Ngoạn Hợp - Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam - cho biết: "Thương hiệu 'Ru tình' là của Mediamax và chúng tôi đã đăng ký logo với Cục sở hữu Trí tuệ. Mọi năm chúng tôi vẫn làm nhưng không trả tiền trực tiếp qua chị Trinh mà quaTrung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Nếu biết trước chị Trinh đã ký hợp đồng độc quyền với công ty khác thì chúng tôi dừng ngay nhưng khi chúng tôi nộp tiền bản quyền, VCPMC vẫn nhận".
Trước những ý kiến của ông Hợp, bà Trần Thị Trường - chuyên gia của VCPMC - lý giải: Bà Trinh quên thông báo đã có hợp đồng độc quyền với IB Group nên phía VCPMC mới cấp phép cho Liên đoàn xiếc Việt Nam. Ngay sáng hôm sau, khi biết về hợp đồng độc quyền, VCPMC đã gửi công văn và gọi điện thông báo cho Liên đoàn xiếc Việt Nam xin huỷ hợp đồng nhưng đơn vị này vẫn chưa cử người sang nhận lại tiền.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh ký hợp đồng với IB Group ngày 1/7/2011, cho phép công ty nàyđộc quyền khai thác các tác phẩm của Trịnh Công Sơn tại Hà Nội từ 10/2/2012 đến 10/3/2012. Ngày 3/9/2011, bà Trinh ký hợp đồng ủy thác quản lý quyền tác giả các tác phẩm của Trịnh Công Sơn cho VCPMC. Hợp đồng độc quyền do bà Trinh ký thiếu chữ ký của ông Trịnh Xuân Tịnh, anh trai Trịnh Công Sơn, người đang giữ một nửa quyền sở hữu với các tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Chiều 16/2, bà Trinh đã nhận được uỷ quyền của ông Tịnh gửi về từ Mỹ và gửi nó đến các cơ quan liên quan nhưng theo đại diện cơ quan chức năng, việc bổ sung chữ ký là không đúng luật. Ngoài ra, việc bà Trinh ký một hợp đồng khác trong lúc hợp đồng độc quyền đang có thời hạn bị đánh giá là không thận trọng, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý. Về việc này, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh giải thích: "Chúng tôi nghĩ rằng mọi nơi đều như ở TP HCM, việc cấp phép chỉ được thực hiện sau khi đã có sự thỏa thuận về tác quyền giữa các bên liên quan mà trực tiếp là gia đình".
Hiện, Liên đoàn xiếc Việt Nam và công ty Mediamax vẫn tiếp tục quảng bá cho đêm nhạc Trịnh tại Cung Hữu nghị Hà Nội. Trước việc bà Trịnh Vĩnh Trinh đề nghị Cục Nghệ thuật Biểu diễn thu hồi giấy phép biểu diễn của bên mình, ông Vũ Ngoạn Hợp cho biết: "Tôi có xin tư vấn của luật sư, họ bảo chúng tôi làm đúng nhưng nếu Sở hoặc Cục yêu cầu chúng tôi dừng chương trình, chúng tôi vẫn chấp hành". Tuy nhiên, theo ông Hợp, việc dừng chương trình sẽ nảy sinh vấn đề tranh cãi khác xung quanh việc ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những thiệt hại của bên ông từ việc đầu tư vào "Ru tình".
Hồng Nhung hát trong đêm "Ru tình" 2011 - đêm nhạc kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. |
Ông Nguyễn Thành Nhân - Trưởng phòng cấp phép Cục nghệ thuật biểu diễn - cho biết Cục cấp giấy phép cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam theo đúng pháp luật. Theo ý kiến vị đại diện này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đang có quyền sở hữu tác phẩm và "sơ sót của cá nhân không thể yêu cầu các cơ quan nhà nước phải chịu". Cục đề nghị sau vụ việc này, bà Trịnh Vĩnh Trinh phải rút kinh nghiệm. "Luật bản quyền vẫn còn rất mới ở Việt Nam. Nhiều khi những người có quyền không biết mình có quyền, lại có những người lạm dụng quyền để làm quá. Trong trường hợp này, mới phát hiện ra hai hợp đồng bà Trinh ký ủy thác về tác quyền. Nếu bà Trinh ký ba hay năm cái, thử hỏi liệu sẽ có bao nhiêu tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng và thiệt hại vì điều này?" - ông Nhân nói. Ông khẳng định không thể tùy tiện rút giấy phép của phía Liên đoàn xiếc theo ý bà Trinh mà các bên liên quan và cơ quan tài phán phải cùng nhau ngồi lại tìm ra giải pháp.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Trường, trước khi đến đóng tiền tác quyền cho VCPMC, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã xin được giấy phép tổ chức của Cục nghệ thuật biểu diễn, tức là làm trái luật dân sự và luật bản quyền. Ông Thành Nhân khẳng định, Cục làm rất chặt chẽ trong việc hướng dẫn các đơn vị tổ chức phải nộp tiền cho Trung tâm bản quyền. Đại diện Cục cho biết, Cục quản lý nội dung còn bản quyền thuộc về quan hệ dân sự. "Cũng cần nói thêm, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam là một trong những nơi thu tiền tác quyền, vì vậy khi anh đã thu tiền tác quyền, anh phải có trách nhiệm bảo vệ tổ chức, cá nhân có ý thức tuân thủ pháp luật về quyền tác giả. Anh không thể làm việc theo kiểu thiếu trách nhiệm, thích thì tôi thu (xuất hóa đơn), không thích thì tôi trả lại" - ông Nhân phản bác.
Bản thân ông Nhân cho rằng, tốt nhất là để hai đơn vị cùng tổ chức đêm nhạc Trịnh để khán giả có nhiều cơ hội thưởng thức, lựa chọn vì nhạc Trịnh là âm nhạc của mọi người. Đây cũng là mong muốn của ông Hợp. Trong khi đó, ông Nguyễn Thùy Dương, Giám đốc sản xuất IB Group, cho biết: "Đây là tranh chấp giữa gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và đơn vị vi phạm, còn chúng tôi đã đầy đủ giấy tờ pháp lý và thủ tục xin cấp phép". Ông Dương cho biết thêm, công ty ông cùng êkíp thực hiện đang chuẩn bị cho đêm nhạc.
Thủ tục xin cấp phép đêm "Ru tình" của IB Group đã hoàn chỉnh gửi lên Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội nhưng chưa được thông qua do những khúc mắc trên. Còn chương trình của Liên đoàn xiếc Việt Nam và Mediamax đã có giấy phép từ Cục nghệ thuật biểu diễn cuối năm 2011 nhưng hiện chưa được Sở Văn hoá Thể thao Du lịch Hà Nội tiếp nhận.
Huy Phạm