Ngày 16/2, gần 40 nhạc sĩ lão thành họp nhau tại Hà Nội để bày tỏ ý kiến về việc thủ tục cấp phép chương trình ca nhạc của các cơ quan quản lý hiện không bảo vệ được chủ sở hữu tác phẩm. Báo cáo của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) về tình hình thu tiền bản quyền âm nhạc cho thấy: Năm 2011 VCPMC thu trên 41 tỷ đồng, nhưng hầu hết là của các lĩnh vực nhạc chuông nhạc chờ, truyền thông, karaoke… còn trong lĩnh vực hoạt động biểu diễn chỉ thu được dưới 10% các chương trình được cấp phép. Hầu hết những người đến dự đều cho rằng: Ca khúc là tài sản riêng của mỗi nhạc sĩ, vì vậy việc nhạc sĩ không nhận được tiền bản quyền từ các đơn vị tổ chức biểu diễn là sai cả tình và lý.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ, trong các văn bản trả tiền bản quyền của ông, chưa có cái nào lên đến con số một triệu đồng. “Trong khi đó, ra hàng đĩa, thấy các CD, album sử dụng bài hát của mình ở đủ mọi bộ sưu tập. Lên mạng thấy hàng chục ca sĩ hát bài của mình. Tôi còn được biết, mỗi chuyến biểu diễn ở nước ngoài của các ca sĩ, có khi cát-xê lên đến năm - bảy nghìn USD. Chưa kể ở các phòng trà, các quán café âm nhạc, bài hát của mình cũng liên tục được sử dụng…” - tác giả Khúc hát sông quê than thở.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Ảnh: Huy Phạm. |
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cung cấp thông tin: “Một đơn vị biểu diễn sẵn sàng trả cho ca sĩ Mỹ Tâm giá cát-xê mỗi đêm diễn 80 triệu đồng, ca sĩ trẻ Văn Mai Hương mới 17 tuổi, đang học Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Quân đội cũng dễ dàng kiếm được 55 triệu đồng cho hai đêm diễn. Trong khi đó các tác giả chẳng được xu nào từ tiền tác quyền, cũng không được ai xin phép. Tôi thấy quá bất công. Tác giả là người sở hữu tác phẩm, lẽ ra phải được hưởng xứng đáng hơn thế. Chúng tôi là những người làm sản phẩm, lẽ ra phải có quyền bán tác phẩm của mình theo giá mình muốn".
Gay gắt hơn, các nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Đinh Quang Hợp, Nguyễn Đức Toàn, Huy Thục, Ngọc Đại… đã dùng những từ “ăn cắp”, “chiếm đoạt trắng trợn”, “bất công”, “phải khởi kiện cả những cơ quan tiếp tay cho những "cai đầu dài" (đơn vị tổ chức) ăn cắp, ăn cướp thông qua việc cấp giấy phép cho họ biểu diễn mà không đếm xỉa gì đến chuyện trả tiền tác quyền”.
Theo các nhạc sĩ, sở dĩ họ không thu được đủ tiền tác quyền vì Cục nghệ thuật biểu diễn chỉ yêu cầu nhà tổ chức cam kết thực hiện luật sở hữu trí tuệ khi nộp đơn xin cấp phép, nhưng sau khi nhận được giấy phép nhà tổ chức trốn luôn tiền tác quyền. Lần sau, những đơn vị này đến xin Cục vẫn cấp giấy phép như thường. Đây là điều giới sáng tác nhạc không chấp nhận.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh đưa ra giải pháp: "Theo tôi, không khó khăn gì trong việc giải quyết vấn đề này. Trước khi cấp phép, cơ quan quản lý chỉ cần yêu cầu đơn vị tổ chức chứng minh là mình đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền đối với các tác giả có trong danh mục biểu diễn. Nếu có giấy phép của VCPMC thì mới cấp phép”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - người sáng lập và điều hành VCPMC - có sự so sánh: Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TP HCM đã làm rất tốt, rất nghiêm túc việc cầu các đơn vị tổ chức phải có giấy phép về quyền tác giả trước khi cấp phép biểu diễn từ mấy năm nay và được các nhạc sĩ rất hoan nghênh; trong khi ở Hà Nội lại không được như vậy. Liveshow hồi tháng 11/2011 của Chế Linh bị VCPMC tố là chưa trả tiền bản quyền vẫn được Cục Nghệ thuật biểu diễn " bật đèn xanh", cuối cùng diễn ra đúng ngày đã định tại Hà Nội, đến khi mang vào TP HCM thì không xin được giấy tiếp nhận, phải hủy. Sau sự việc này, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã bức xúc phát biểu: “Cục Nghệ thuật Biểu diễn rất thiếu nghiêm túc trong thực thi luật pháp và bảo hộ quyền tác giả”.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Thành Nhân - Trưởng phòng cấp phép Cục nghệ thuật biểu diễn - khẳng định, Cục làm rất chặt chẽ trong việc hướng dẫn các đơn vị tổ chức phải nộp tiền cho Trung tâm bản quyền. Đại diện Cục cho biết, Cục quản lý nội dung còn bản quyền thuộc về quan hệ dân sự. “Mỗi đơn vị có một chức năng. Chúng tôi không thể thay công việc của các cơ quan khác. Trong quy định cấp phép, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị nghiêm chỉnh thực hiện quyền tác giả liên quan".
"Luật cấp phép có ghi: Yêu cầu các đơn vị tổ chức biểu diễn, các nghệ sĩ biểu diễn, diễn viên thực hiện đúng nội dung chương trình đã được cấp phép và quy định trong quy chế biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và luật sở hữu trí tuệ đã ban hành. Nhưng luật không yêu cầu đơn vị tổ chức phải có hóa đơn thanh toán tiền bản quyền trong hồ sơ xin cấp phép thì chúng tôi không bắt họ làm điều đó được. Nếu người tổ chức biểu diễn làm sai quy định về bản quyền thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Nhân trả lời.
VCPMC đã nhiều lần đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn bắt buộc các đơn vị tổ chức biểu diễn phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền tác giả trước khi cấp phép, nhưng đây là lần đầu tiên đông đảo các nhạc sĩ cùng lên tiếng với trung tâm này. Các nhạc sĩ đã ký vào một văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng để phản đối Cục Nghệ thuật biểu diễn và các Sở địa phương cấp phép cho tổ chức biểu diễn mà không nhận được sự đồng ý của các tác giả.
Huy Phạm