Ngày 23/7, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, sau khi Cơ quan CITES Trung Quốc đề xuất hợp tác bảo tồn rùa mai mềm Rafetus swinhoei, còn gọi là rùa Hoàn Kiếm vào tháng 5.
"Việc hợp tác với Trung Quốc là cơ hội tốt và có tính khả thi nhằm nhân giống, bảo tồn loài rùa này, nhưng cơ quan chuyên môn hai nước cần thảo luận chi tiết về kỹ thuật và điều khoản trước khi thực hiện", văn bản của Bộ nêu.
Bộ cũng đề nghị TP Hà Nội giao cơ quan chức năng xây dựng đề án, tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát triển rùa Hoàn Kiếm.
Đề xuất trên nhận được sự đồng tình của giới khoa học và tổ chức phi chính phủ. Theo ông Hoàng Văn Hà - Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP), rùa Hoàn Kiếm còn quá ít trên thế giới nên việc nhân giống loài này là điều cấp thiết.
"Để nhân giống, trước hết Việt Nam cần xác định giới tính của loài ở Đồng Mô và Xuân Khanh. Nếu là con đực thì có thể mang ghép đôi sinh sản với con cái ở Trung Quốc", ông Hà nói.
Rafetus swinhoei là loài rùa quý hiếm. Thế giới chỉ còn bốn con, trong đó Trung Quốc lưu giữ hai con (một đực, một cái) tại vườn thú Tô Châu.
Tại Việt Nam, ngoài cá thể ở Hồ Gươm đã chết vào năm 2016 hiện chỉ còn hai con ở hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh (Hà Nội). Giới khoa học chưa khẳng định được giới tính của chúng. Việc bảo tồn loài đang bị ảnh hưởng do nguồn nước ô nhiễm và hoạt động khai thác thủy sản thiếu kiểm soát của người địa phương.
Câu chuyện nhân bản rùa từng được giới khoa học đưa ra, nhất là khi rùa Hồ Gươm chết vào tháng 1/2016, nhưng vấp phải ý kiến trái chiều từ phía các nhà khoa học. Rùa Hoàn Kiếm thuộc phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loại động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), thuộc danh mục các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo về phục hồi, phát triển. Đây cũng là loài nằm trong danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định trong Nghị định 160/2013 của Chính phủ. |