Ngày 12/4, Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) cho biết, ngoài rùa cùng loài với rùa Hoàn Kiếm đang sống ở hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), cách đó không xa còn một con khác sống ở hồ Xuân Khanh.
Công bố đưa ra sau khi ATP cùng nhà khoa học Mỹ ứng dụng kỹ thuật gene môi trường (eDNA) trong tìm kiếm cá thể cùng loài với rùa Hoàn Kiếm - loài nguy cấp và quý hiếm nhất thế giới.
"eDNA là kỹ thuật mới được ứng dụng trong nghiên cứu rùa và động vật hoang dã. Nó tập trung phát hiện dấu vết di truyền nhỏ nhất trong nước, thường được áp dụng với loài cá và lưỡng cư", ông Timothy McCormack (ATP) cho biết.
Để thực hiện phương pháp trên, nhóm bảo tồn đã thu thập mẫu nước từ nhiều hồ, gồm cả Đồng Mô - nơi rùa Hoàn Kiếm hoang dã duy nhất còn tồn tại. Tuy nhiên, mẫu eDNA không mang lại kết quả như mong đợi.
Cuối năm 2016, ATP nhận được thông tin về rùa mai mềm kích thước lớn ở hồ Xuân Khanh, cách hồ Đồng Mô không xa. Ngay lập tức, tổ chức quyết định thực hiện thêm các đợt quan sát.
Trước đó năm 2012, ATP từng chụp được bức ảnh về rùa lớn trên hồ Xuân Khanh nhưng không rõ.
Sau hàng nghìn giờ quan sát, nhóm nghiên cứu thấy rùa xuất hiện vài lần. Gần nhất là tháng 5/2017, bức ảnh rùa được chụp bởi anh Nguyễn Văn Trọng với chất lượng tốt cho thấy đây là cá thể rùa mai mềm, nhưng không đủ định dạng loài. Vì vậy nhóm quyết định thu mẫu eDNA và phân tích trong phòng thí nghiệm thuộc Đại học bang Washington (Mỹ).
Kết quả phân tích cho thấy các dấu vết di truyền từ mẫu nước phù hợp với các mẫu hiện có của loài rùa Hoàn Kiếm. "Phát hiện này mang lại hy vọng mới trong ghép đôi các loài hoang dã phục vụ mục đích nhân giống bảo tồn", ông Timothy McCormack nói.
Loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) còn có tên gọi khác là rùa Hoàn Kiếm, là loài rùa nguy cấp, quý hiếm nhất thế giới. Đến cuối năm 2016, thế giới chỉ còn ba con được ghi nhận, trong đó hai con được nuôi ở Trung Quốc, một con hoang dã duy nhất được tìm thấy ở hồ Đồng Mô năm 2007.