Ngày 3/4, tiến sĩ Phan Kế Long (Phó giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam) cho biết, dự kiến mùng 8/4 đơn vị sẽ chế tác xong tiêu bản rùa hồ Gươm. Sau đó tiêu bản sẽ được bảo quản và chờ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ bàn giao cho TP Hà Nội.
"Từng chi tiết nhỏ như vết bớt trên đầu, màu sắc da, đôi mắt đều được nhà khoa học làm cẩn thận, tỉ mỉ", ông Long nói và thông tin các nhà khoa Đức đã sang Việt Nam 100 ngày để giúp đỡ. Đây là lần đầu tiên họ làm mẫu vật to, nên thời gian hoàn thành bị lùi lại so với kế hoạch ban đầu.
Là người theo dõi sát sao quá trình chế tác, "nhà rùa học" Hà Đình Đức cho rằng, bộ phận đầu, nhất là đôi mắt chiếm nhiều thời gian của các nhà khoa học hơn cả vì "đó là linh hồn".
Rùa hồ Gươm chết chiều 19/1, được đưa vào Bảo tàng thiên nhiên bảo quản trong phòng lạnh ở nhiệt độ - 15 độ C. Hà Nội từng đưa ra 3 phương án bảo quản gồm: bảo quản ướt, làm khô và nhựa hóa. Cuối cùng giải pháp nhựa hóa được chọn nhằm giúp bảo quản nguyên vẹn mẫu vật, từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như diềm mai (cấu tạo bằng sụn).
Năm 2011, rùa được đưa lên bờ để chữa trị các vết lở loét trong hơn 3 tháng, sau đó được trả về hồ. Khi đó, chiều dài toàn thân rùa là 185 cm, chiều rộng mai 100 cm, dài đuôi 35 cm, nặng 169 kg. Nguyên nhân rùa chết được cho là già yếu, bởi con rùa sống lâu nhất thế giới 180 năm, trong khi rùa hồ Gươm ước tính 200 tuổi.