Rùa hồ Gươm đã về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và có thể phục dựng tiêu bản. TS Vũ Ngọc Thành, người có kinh nghiệm làm tiêu bản rùa hồ Gươm năm 2010 cho biết, đầu tiên phải lấy hết nội tạng, sau đó bơm thuốc chống thối vào chỗ có nhiều cơ mà không lấy được ra, tiếp đó là sấy và cho thuốc chống mốc.
"Riêng với rùa, do diềm thịt ở mai dễ bị teo lại khi sấy khô nên để tránh việc này người ta thường dùng vật liệu nhân tạo để làm giống miếng thịt đó và tạo màu hình khối", tiến sĩ Thành nói.
Thông thường các nhà khoa học sẽ không tạo hình bộ yếm mai của rùa mà chỉ tạo hình tay, chân, cổ, đuôi. Về mắt, Việt Nam chưa chế tạo nên phải nhập từ nước ngoài để thay thế.
Với những loài vật ở kích thước lớn, một chuyên gia từng làm việc ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, muốn phục dựng một tiêu bản thường trải qua nhiều giai đoạn như lột da, nạo hết phần thịt dính dưới da và bôi lớp hóa chất chống thối dưới da, làm da mềm.
Tiếp đó dựng khung xương bằng sắt, thép chống rỉ hình mẫu chuẩn và nhồi bông vào bên trong. Sau đó người làm sẽ chế tác con vật để thể hiện được thần thái, tư thế như thật, giúp người xem có cảm giác như chúng ở ngoài tự nhiên.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, tùy vào kích thước, chủng loại, tình trạng bảo quản mẫu vật sẽ có công đoạn thực hiện khác nhau, ví dụ mẫu vật nhỏ như chim sâu với bộ da mỏng thì phải làm tỉ mỉ.
"Mẫu còn tươi sẽ làm đẹp hơn là để lâu. Việc phục dựng tiêu bản mất rất nhiều thời gian và công sức", chuyên gia này nói.
Rùa hồ Gươm chết chiều 19/1. Năm 2011 rùa được đưa lên bờ để chữa trị các vết lở loét trong hơn 3 tháng, sau đó được trả về hồ, nơi người ta đã thả nhiều cá để làm thức ăn. Khi đó, chiều dài toàn thân rùa là 185 cm, chiều rộng mai 100 cm, chiều dài đuôi là 35 cm, nặng 169 kg.
Nguyên nhân rùa chết được cho là già yếu, bởi con rùa sống lâu nhất thế giới 180 năm, trong khi rùa hồ Gươm ước tính 200 tuổi. Nghi vấn nước hồ ô nhiễm, thiếu thức ăn cũng được đưa ra.
Hình ảnh rùa hồ Gươm lúc còn sống.
Phạm Hương