Những phân tích được các nhà khoa học, quản lý đưa ra tại hội thảo “Phát triển khoa học và công nghệ vùng trung du, miền núi phía Bắc trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0)”, tổ chức chiều 10/5 tại Lào Cai.
Sau khi nêu rõ quan điểm của Chính phủ đối với việc tiếp cận 4.0, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết Bộ có nhiệm vụ rà soát, đưa ra các giải pháp nhằm tận dụng tối đa lợi thế của từng ngành, vùng, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực của cách mạng 4.0 đối với Việt Nam.
Từ góc độ địa phương, Phó chủ tịch Lào Cai, ông Đặng Xuân Thanh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ngành chủ động nghiên cứu, tiếp cận và triển khai các biện pháp nhằm thích ứng với cách mạng 4.0, trong đó có việc tăng cường hợp tác với các đại học, viện nghiên cứu, tập đoàn công nghiệp lớn để xây dựng chính quyền điện tử, giao ban trực tuyến từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn.
Việc xây dựng đề án đô thị thông minh (y tế, giáo dục, du lịch, giao thông thông minh….) cũng được triển khai. Đặc biệt, Lào Cai đã đẩy mạnh liên kết ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất và đời sống, bước đầu xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, ông Thanh thừa nhận cũng như nhiều tỉnh trong khu vực, hoạt động khoa học và công nghệ của Lào Cai còn hạn chế, chắc chắn phải đối mặt vô số thách thức khi cuộc cách mạng công nghệ diễn ra mạnh mẽ trong các ngành kinh tế. "Nhất là trong bối cảnh nông nghiệp và công nghiệp của tỉnh vẫn còn ở trình độ cách mạng công nghiệp lần thứ hai”, ông Đặng Xuân Thanh chia sẻ.
Trước thực tế này, tiến sĩ Nguyễn Võ Hưng, Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đưa ra nhiều khuyến nghị với các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Ông Hưng cho rằng nông nghiệp, du lịch là những lĩnh vực lợi thế của miền núi.
Tiến sĩ Hưng cũng gợi ý, các địa phương cần xác định, lựa chọn lĩnh vực, chuỗi giá trị nào mà địa phương có thể tham gia dựa trên lợi thế so sánh của địa phương mình, từ đó tạo cơ chế thu hút, khuyến khích sự tham gia và hợp tác của doanh nghiệp vào các chuỗi giá trị địa phương, quốc gia và toàn cầu.