Những ngày cuối tháng 7, kỹ sư Lê Huy Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ laser thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ, đang chuẩn bị hoàn thiện thiết bị quang đông cầm máu (APC) cho mô mềm, sẵn sàng cho công tác nghiệm thu, bàn giao. Thiết bị này được đưa vào ứng dụng sẽ giúp các bác sĩ rảnh tay trong mỗi ca phẫu thuật vì sẽ hỗ trợ tối đa cho việc cầm máu.
KS Tuấn mô tả, bản chất của kỹ thuật là tạo ra luồng (dòng tia) plasma màu xanh tím được ion hóa trong môi trường khí argon - một nguyên tố hóa học có số thứ tự 18 trong bảng tuần hoàn mà người ta vẫn gọi là khí trơ.
Bằng kỹ thuật điều khiển, với luồng plasma sinh ra bởi điện, từ trường, nhưng được khống chế, kiểm soát phương, hướng chiếu chùm tia plasma giúp đạt thủ thuật tốt nhất trong điều trị cầm máu. Đến nay các tham số vật lý đã được tính toán tối ưu. Các thí nghiệm cho thấy với những tia máu li ti ở mô mềm đã được ngăn tối đa, thuận tiện cho những ca phẫu thuật dạ dày, sản khoa...
Kể về quá trình thiết kế thiết bị cầm máu, ông Tuấn cho biết đã đi đến các hãng để mò mẫm, mua đủ loại van điều khiển áp suất luồng khí của Đức, Mỹ và Hàn Quốc về làm thử. Khi lựa chọn được các dòng thông số tối ưu, KS Tuấn mới lắp đặt thành máy và thử nghiệm cầm máu trên thịt động vật. Thấy thành công ông mới vẽ, mô tả để chế tạo thiết bị.
“Đã có hàng trăm bản vẽ được hình thành. Tôi cứ vẽ xong không ưng ý lại bỏ. Đến giờ thì đã chọn được phương án tối ưu. Máy có hình thức bắt mắt và dòng tia tạo màu laser đẹp tôi mới cho lắp đặt”, ông Tuấn chia sẻ.
Thiết bị cầm máu chỉ là một trong số gần 60 chủng loại mà ông Tuấn đã tham gia nghiên cứu, thiết kế và chế tạo. Trong phòng làm việc của ông ngổn ngang đủ loại thiết bị, từ dao mổ điện cao tần tới các loại máy điện từ trường, laser...
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Tuấn phát huy đúng sở trường ở chuyên ngành điều khiển tự động khi làm các thiết bị y tế ứng dụng trong vật lý trị liệu, phẫu thuật ngoại khoa, da liễu thẩm mỹ...
Ông Tuấn thành thật, dù không phải là người đầu tiên tự nghiên cứu ra những thiết bị điện từ trường, laser nhưng ông luôn biết cách học và sáng tạo khi nghiên cứu, chế tạo thiết bị đưa vào ứng dụng. Ông đã nghiên cứu chế tạo thêm nhiều tính năng tương thích tối ưu trong điều kiện, hoàn cảnh sử dụng và khí hậu của Việt Nam.
Ví dụ với dao mổ điện cao tần, ông cùng cộng sự chế tạo và đưa ra thị trường từ năm 2005 có nhiều khác biệt so với thiết bị đã có trên thế giới. Như máy của thế giới chỉ có hai bàn đạp, thì máy của ông Tuấn làm có ba bàn đạp. Ông cũng thiết kế thêm cả cửa phẫu thuật nội soi để thuận tiện khi cần sử dụng. Đặc biệt hơn, máy của thế giới là cấu trúc liền khối thì ông Tuấn lại thiết kế máy với nhiều khối tách rời, thuận tiện cho việc sửa chữa, thay thế.
Cũng chính sự thuận tiện, chất lượng tương đương và giá rẻ chỉ bằng một phần sáu so với máy của Mỹ, Đức, nên sau hơn 10 năm ra thị trường, nay thiết bị phẫu thuật điện cao tần ES400W đã có mặt ở nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện 108, Viện Quân y 103, và bệnh viện đa khoa các tỉnh.
Cũng giống như thiết bị dao mổ cao tần, các thiết bị khác ông là tác giả có mặt ở nhiều bệnh viện, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Ông Tuấn không còn nhớ đã có bao nhiêu thiết bị đã bán ra thị trường.
Năm 2017, sản phẩm thiết bị vi điểm phẫu thuật Fractionnal Laser và dao mổ điện cao tần lọt top 10 sản phẩm “Tự hào Trí tuệ lao động Việt Nam”, KS Lê Huy Tuấn được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen.
Ông luôn tâm niệm thứ theo đuổi trong nghiên cứu ứng dụng phải chất lượng, an toàn và hình thức phải đẹp. Đạt được những điều này thì kết quả nghiên cứu sẽ được thị trường đón nhận. Khi đó nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ có cơ hội tiếp tục theo đuổi đam mê.
Kỹ sư 60 tuổi tâm sự, sau khi hoàn thiện và bàn giao thiết bị cầm máu sẽ thực hiện tiếp khát vọng làm các thiết bị laser ứng dụng trong công nghiệp. “Tôi muốn làm được những chiếc máy cắt, hàn tự động bằng laser của riêng mình”, KS Lê Huy Tuấn cho biết.
KS Lê Huy Tuấn cắt trái cây bằng thiết bị mổ cao tần. Video: Nguyễn Bắc.