Đỗ Hoàng Tùng (39 tuổi) sinh ra tại Thọ Xuân, Thanh Hóa, từ nhỏ đã nổi danh với những thành tích trong học tập. Tùng từng có tên trong đội học sinh giỏi toán quốc gia năm lớp 5, lớp 10 đã đạt giải nhì kỳ thi Hóa học Hoàng Gia Australia; lớp 11 giải nhì và lớp 12 là giải nhất cuộc thi học sinh giỏi Hóa Quốc gia.
Vốn yêu khoa học, nhưng Tùng đến với công nghệ plasma như một sự tình cờ. Bước chân vào Đại học Khoa học Tự nhiên năm 1997 với dự định theo ngành hóa, khi nộp hồ sơ thông tin về Chương trình Cử nhân khoa học tài năng đập vào mắt cậu. Biết được chương trình này có nhiều ưu đãi từ học bổng, nhà ở… Tùng quyết định lựa chọn.
Ở chương trình này không có chuyên ngành hóa, Tùng đành theo học chuyên ngành Vật lý lý thuyết. Năm 2001 ra trường, Tùng vào làm việc tại Viện vật lý thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ở đây anh được Giáo sư Nguyễn Ái Việt khi đó là Viện trưởng Viện Vật lý giới thiệu về công nghệ plasma.
Tùng kể, thầy Ái Việt bảo ở Việt Nam hiện chưa có ai làm về công nghệ plasma. Trước đây một số người đã học về plasma ở Liên Xô (cũ) nhưng về Việt Nam lại không tiếp tục nghiên cứu lĩnh vực này. "Thông qua những tài liệu thầy cung cấp, tôi thấy đây là ngành có rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống. Đặc biệt để hiểu về plasma cần những kiến thức hoá học - môn tôi yêu thích nên đã tìm tòi và theo đuổi", TS Tùng chia sẻ về cái duyên đến với công nghệ này.
Theo gợi ý của Giáo sư Nguyễn Ái Việt, năm 2003 Tùng tiếp tục ghi danh ở Đại học Greifswald - trung tâm hàng đầu thế giới về công nghệ plasma để học hỏi và chuẩn bị các điều kiện nghiên cứu, đưa công nghệ này về Việt Nam.
Vật lý plasma là ngành khoa học được ứng dụng để làm ra các thiết bị chiếu sáng, chế tạo chip điện tử, công nghệ sơn... Công nghệ này cho phép sản xuất sản phẩm tinh vi hơn, đạt chất lượng cao hơn giúp gia tăng giá trị. Những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Samsung, Panasonic, xe Range Rover... đều sử dụng công nghệ plasma trong quy trình sản xuất.
Công nghệ này giúp quy trình sản xuất sản phẩm trở nên cao cấp nhưng vật lý plasma lại hầu như không được biết đến ở Việt Nam do việc nghiên cứu đòi hỏi công nghệ cao, thiết bị đắt tiền.
Từ năm 2003 xu hướng nghiên cứu plasma medicine một ngành khoa học liên ngành vật lý, sinh học, y học có khả năng ứng dụng rất lớn và không đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền, mở một cánh cửa để Việt Nam song hành với thế giới.
"Viên gạch" đầu tiên
Tám năm là chặng đường Tùng vừa làm tiến sĩ vừa mày mò học hỏi, thu thập kiến thức về công nghệ plasma tại Đức. Anh nhận ra, nếu cứ áp y nguyên kiến thức trong điều kiện Việt Nam còn thiếu thốn cơ sở vật chất sẽ rất khó.
"Nếu thành công ở y học plasma sẽ có tiền đề phát triển các hướng ứng dụng khác. Khi đó sẽ có nhiều người cùng làm, nhiều nguồn lực hỗ trợ. Nghĩ vậy tôi đã mang kiến thức học hỏi ở Đức về Việt Nam, tự làm plasma của riêng mình", TS Tùng nhớ lại.
Về nước năm 2011, anh loay hoay khá lâu vì muốn tạo ra nguồn plasma lạnh đầu tiên của mình. Trong tay khi đó không có tiền, chẳng có phòng thí nghiệm, sau nhờ đề tài từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Việt Nam (Nafosted), đầu năm 2013, chiếc máy chiếu tia plasma lạnh đầu tiên đã ra mắt.
Máy vận hành theo nguyên lý hồ quang trượt (Gliding arc plasma - GAP) để ion hóa khí agon thành plasma, tạo ra các gốc tự do, electron, ion và tia cực tím có khả năng diệt khuẩn và liền các vết thương hở. Khi chiếu tia plasma lên vết mổ, vết thương hở, các vi sinh vật không thể phát triển được.
Khác với thuốc kháng sinh, tia plasma còn diệt được cả bào tử nấm, virus giúp da tăng sinh để nhanh liền. "Với các bà mẹ sau sinh, để vết thương tránh nhiễm khuẩn, hoại tử thông thường phải hỗ trợ kháng sinh khiến họ lâu có sữa. Dùng tia plasma chiếu sẽ giúp vết mổ không đau, vận động của người mẹ sau sinh nhẹ nhàng hơn mà không ảnh hưởng đến việc tiết sữa", TS Tùng giải thích.
Hiện tia plasma lạnh mới được một số nước như Đức, Nhật Bản, Israel phát triển thành công trong điều trị vết thương hở. Thế giới đã có những thử nghiệm đưa plasma vào mổ nội soi nhưng chưa phát triển thành thiết bị. Ở Việt Nam thiết bị này đã được ứng dụng ở nhiều bệnh viện và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ plasma lạnh trong điều trị.
Để đưa thiết bị vào ứng dụng điều trị trong các bệnh viện cũng là một chặng đường không kém phần gian nan. Thiết bị ban đầu hình thức xấu, chỉ đạt tiêu chuẩn trong phòng thí nghiệm. Nhờ có Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) - do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai, năm 2015 nhóm nghiên cứu của Tùng được hỗ trợ hơn 750 triệu đồng.
Ngoài tiền, nhóm còn được sang Thái Lan học khởi nghiệp, học cách thức kết nối, làm những công đoạn gì để công nghệ ra thị trường.
Sau một năm IPP2 hỗ trợ, TS Tùng đã hoàn thiện thiết bị với dòng plasma chạy ổn định, máy có hình thức đẹp hơn mang tên PlasmaMed. Hiện thiết bị đã được Bộ Y tế cấp phép và chuyển giao cho một đơn vị phân phối độc quyền.
Máy plasma hoạt động như thế nào?
TS Tùng tâm sự, y học plasma có tiềm năng rất lớn. Hiện thị trường thuốc điều trị vết thương trên thế giới khoảng 20 tỷ USD một năm. Con số này của Việt Nam khoảng 50 triệu USD/năm.
Bên cạnh việc điều trị vết thương, y học plasma đang mở ra các ứng dụng khác trong y tế. Các ngành sử dụng công nghệ plasma còn rộng hơn nữa. Đơn cử, ở Đức từ năm 2005 thị trường này đã vào cỡ 500 tỷ Euro, chiếm 10% nền kinh tế và vẫn mở rộng cho đến nay.
"Ở Việt Nam, ngành này gần như trống nên tiềm năng phát triển lớn. Vấn đề chỉ là mình có chịu làm và có năng lực để làm hay không mà thôi", TS Đỗ Hoàng Tùng nói.
Cho rằng mình và đồng nghiệp là những viên gạch đầu tiên, Tùng mong mỏi rồi sẽ có những viên gạch tiếp theo cùng xây để ngành công nghệ plasma vượt qua các giới hạn mà công nghệ khác khó đạt được. Đích cuối là làm sao để công nghệ góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả năng lượng, giảm tác động môi trường.