Tại buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng ngày 30/5, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị Chính phủ xem xét sớm sửa đổi Luật Đầu tư để loại bỏ mũ bảo hiểm ra khỏi danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện.
Nghị định 87/2016 quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy phải đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để sản xuất mũ bảo hiểm có chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng. Các thiết bị bao gồm: ép (đúc/đùn) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất vỏ mũ; ép (đúc) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất lớp hấp thụ xung động (mút xốp); dập (tán) đinh tán dùng để ghép các cụm chi tiết.
Cơ sở sản xuất phải có phòng thử nghiệm hoặc thuê của tổ chức, doanh nghiệp khác, đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng của mũ bảo hiểm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng. Phòng thử nghiệm phải có năng lực đáp ứng yêu cầu quy định của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tiêu Chuẩn - Đo lường - Chất lượng cho biết, theo quy định này, hơn 40 doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm tại Việt Nam (đạt gần 100%) đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu, không có tình trạng một cơ sở chỉ có diện tích 20 m2, không có máy móc thiết bị, nhưng vẫn sản xuất mũ bảo hiểm.
Qua giám sát của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm nghiêm túc chấp hành, người tiêu dùng cũng nhận thức cao hơn trong việc lựa chọn sản phẩm mũ đảm bảo chất lượng. Đến nay tình trạng sản xuất mũ bảo hiểm giả mạo giảm hẳn. “Vì vậy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh sang hậu kiểm là cần thiết”, ông Linh nói.
Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2018 yêu cầu các bộ quản lý chuyên ngành cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh hiện hành nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.