Theo thông tin từ hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, sáng 15/12, hiện tỷ lệ người dân chấp hành đã đạt hơn 90%, qua đó góp phần kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống dưới 9.000 người mỗi năm.
Việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm cũng đã giúp hạn chế thương tích nặng, đặc biệt là chấn thương sọ não đối với người đi môtô, xe gắn máy.
Theo nghiên cứu của Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP), các vụ chấn thương do tai nạn giao thông giảm rõ rệt ngay sau khi có quy định đội mũ bảo hiểm. Năm 2007, cả nước có 10.200 vụ tai nạn giao thông đã giảm xuống còn hơn 7.700 vụ năm 2008, tỷ lệ tử vong giảm từ hơn 12.000 ca xuống còn hơn 11.000 ca cùng thời gian đó.
Sau 10 năm thực hiện, Việt Nam đã ngăn chặn được hơn 500.000 ca chấn thương sọ não. Cụ thể, tỷ lệ các bệnh nhân bị tổn thương não đã giảm từ 21% xuống 13%; bảo vệ hơn 15.000 mạng sống, tiết kiệm được hơn 3,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, vấn đề còn tồn tại là tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em hiện chỉ ở mức 35 -40%. Bên cạnh đó, việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ kém chất lượng, mũ giả, mũ nhái kiểu dáng mũ bảo hiểm còn phổ biến, khiến tỷ lệ thương vong vẫn ở mức cao.
Ông Greig Craft, chủ tịch Quỹ AIP, cho rằng mũ bảo hiểm giả, mũ nhái chiếm tỷ lệ 50-60%. Do vậy, chính quyền cần tăng mức xử phạt và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm trong sản xuất, kinh doanh loại hàng này; tăng cường thông tin cho người dân biết tác hại sử dụng mũ kém chất lượng.
Với tỷ lệ đội mũ bảo hiểm trẻ em còn thấp, ông Greig Graft nói, phụ huynh là đối tượng cần tuyên truyền hơn là học sinh vì cha mẹ dạy dỗ con cái hàng ngày. Ngoài ra, giáo viên trên lớp cũng cần thường xuyên nhắc nhở học sinh đội mũ bảo hiểm đến trường.