Nhưng có một việc rất nhỏ, mà bất chấp với sự nhất trí cao, 19 người Việt Nam không thể làm: giám sát công việc của một cán bộ.
Cứ trong 19 người dân Việt Nam sẽ có một cán bộ. Theo số liệu từ Điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, tính đến hết quý IV/2017, có hơn 5,2 triệu người làm việc cho khu vực nhà nước. Nếu tính trên số dân gần 96 triệu người, sử dụng phép chia đơn giản, thì tỷ lệ cán bộ trên dân là 1 trên 19.
Vì vậy, khi gặp 18 người bất kì trên phố, hãy sẻ chia đồng cảm, bởi bạn với họ sẽ có ít nhất một điểm chung: một phần thu nhập của các bạn được dành để nuôi một cán bộ nào đó trên đất nước này.
Vì thế nên, với một logic giản đơn, tôi cũng như bạn có quyền thắc mắc rằng họ đang làm gì khi nhận “đồng lương” mình đang trả cho chọ?
Không có hệ thống thông tin, dữ liệu nào đang được công khai và giúp đo lường được các cán bộ đang làm gì. Trên đất nước ta cũng đang không có cơ chế giám sát trực tiếp nào cho phép người dân theo dõi hiệu quả hoạt động của cán bộ. Tôi, cũng như bạn, cũng như 17 người nào đó khác đang cùng đóng tiền nuôi một cán bộ, chỉ có thể thực hiện quyền giám sát của mình trên mặt báo. Và cuộc “giám sát” bằng việc đọc báo này mang lại những cảm xúc không mấy tích cực.
Mới đây có hai diễn biến tương phản vừa xảy ra tại Đà Nẵng. Cuối tháng 5, thành phố công bố có 40 công chức được tuyển theo đề án phát triển nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) xin thôi việc. Để rời khỏi bộ máy nhà nước, nhiều người trong số họ phải bồi thường chi phí đào tạo cho thành phố lên đến cả tỷ đồng. Một tháng sau đó, Đà Nẵng đề xuất cơ chế khuyến khích lãnh đạo thôi việc trước thời hạn, những ai tự nguyện sẽ được bồi hoàn tối đa 200 triệu đồng, tùy theo chức vụ ở nhiệm sở.
Là một người dân, tôi thấy có điều gì đó gờn gợn. Tại sao trong cùng một hệ thống, những người trẻ sẵn sàng bỏ cả gia tài để “từ quan”, trong khi các cán bộ lão làng lại cần được thưởng để tự nguyện thôi việc?
Hai ngả đường “từ quan” của công chức Đà Nẵng, bởi thế, không chỉ là chuyện đau đầu tại tòa hình bắp ngô cạnh sông Hàn. Cuối năm ngoái, TP HCM và Hà Nội cũng đã có những đề xuất “thưởng thôi việc” để đẩy nhanh quá trình tinh giản biên chế.
Thực tế này nói lên điều gì?
Thứ nhất, nếu chúng ta nhìn nhận bộ máy nhà nước như một công ty, chắc chắn công ty đó đang có vấn đề. Một bộ máy tốt phải tuần hoàn liên tục, loại bỏ những yếu tố lỗi thời và bổ sung nhân tố mới, hiệu quả và năng động hơn. Bất cứ doanh nghiệp nào đi ngược lại xu hướng đó cũng sẽ rơi vào vòng xoáy trì trệ và suy thoái.
Thứ hai, số lượng công chức làm việc không hiệu quả trong hệ thống vẫn là quá nhiều. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có đông công, viên chức nhất Đông Nam Á, với tỷ lệ cán bộ trên tổng dân số là gần 5%. Như tôi đã nói ở trên, tính nôm na, trung bình 19 người dân sẽ nộp thuế để nuôi một cán bộ. Đây là gánh nặng rất lớn, phản ánh trong con số chi thường xuyên để duy trì bộ máy nhà nước ở mức hơn 71% ngân sách nhà nước, tính đến tháng 5/2018.
Thứ ba, đi cùng với vấn đề thứ hai, hệ thống công chức đang thiếu cơ chế đào thải thông minh và phù hợp. Quy trình tuyển dụng và sử dụng cán bộ theo biên chế trọn đời như hiện tại đã quá cũ kỹ và lạc hậu. Nó tưởng thưởng cho sự “sống lâu lên lão làng” thay vì tận dụng khả năng của những người thực sự có năng lực.
“Chính phủ kiến tạo” đã đi được một nửa chặng đường, nhưng một “quốc gia khởi nghiệp” như mong muốn của chính quyền, đòi hỏi phải có đội ngũ công chức có trí tuệ, tài năng, và nhiệt huyết cống hiến. Thành công của những start-up công nghệ, dù ở Thung lũng Silicon hay Bangalore, đều nằm ở nguồn nhân lực làm việc quên ăn quên ngủ vì đam mê của họ, chứ không phải bởi những người ngồi chờ nhận sổ hưu. Một bộ máy nhà nước theo mô hình phụng sự người dân theo kiểu doanh nghiệp phục vụ khách hàng, cũng cần phải như vậy.
Đề xuất cải cách tiền lương vừa mới được Ban chấp hành Trung ương thông qua tại Hội nghị TW 7, trong đó đề cao năng lực và vị trí để tính lương công chức, hay những nỗ lực xây dựng những cách đánh giá hiệu quả của bộ máy nhà nước, là một trong những số đó. Nhưng để có được một cơ chế đào thải công chức thực sự hiệu quả, có lẽ cần nhiều hơn một đề án cải cách tiền lương.
Nguyễn Khắc Giang