Tìm những người như vậy ở Việt Nam đã khó, việc đăng ký cho họ làm việc lại còn khó hơn, với nhiều thủ tục xin giấy phép chồng lấn qua các "cửa" khác nhau. Cực chẳng đã, cơ quan tôi lựa chọn lách luật bằng cách ký hợp đồng dưới ba tháng; hoặc trong một số trường hợp, cho phép người nước ngoài "làm chui" - nhận thù lao mà không có hợp đồng chính thức. Với những tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ - đặc biệt hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - thuê người nước ngoài "dạy chui" như vậy là cách làm phổ biến những năm qua.
Chính sách xin giấy phép lao động của Việt Nam với người nước ngoài đã được tinh giản nhiều từ năm 2016, nhưng sự phức tạp thì chưa hết. Nhiều người nước ngoài ở Việt Nam, khi chưa xin được giấy phép, hoặc thậm chí không bao giờ xin được, hay kháo nhau về một thủ thuật gọi là "visa run" - chạy thị thực. Sau mỗi ba tháng, họ sẽ phải ra khỏi Việt Nam, đi du lịch ở đâu đó, và quay trở lại, chỉ để đóng dấu visa mới. Việc đóng dấu kèm theo một số tiền phải nộp cho hải quan, họ gọi là "mua visa".
Sẽ vô lý nếu đòi hỏi chính sách, thủ tục dành cho lao động người nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam ít phức tạp tương đương như với người Việt. Nhưng nếu chúng ta muốn thu hút thêm chất xám từ bên ngoài, việc có một chính sách thông thoáng, cởi mở hơn là yêu cầu cần thiết. Điều này không phải nhằm đem lại nhiều quyền lợi hơn cho người nước ngoài, mà cho chính người Việt. Hàng năm, chúng ta vẫn phàn nàn về tình trạng "chảy máu chất xám", khi ngày càng nhiều người Việt có trình độ lựa chọn không làm việc ở trong nước. Nếu chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài có chất lượng không hiệu quả, thì không khác nào thị trường lao động bị "chảy máu hai đầu".
Đó cũng sẽ là bất lợi lớn khi Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) đi vào hoạt động, vốn cho phép lao động trong khu vực Đông Nam Á được tự do di chuyển như cách làm của Liên minh Châu Âu. Singapore với các ưu thế của họ tất nhiên là điểm đến mơ ước của nhiều người, nhưng ngay cả các nước có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn như Philippines và Thái Lan cũng dần trở thành nơi thu hút lao động người Việt.
Trong đề xuất chính sách thu hút nhân tài mới, Ủy ban Nhân dân TP HCM vừa bổ sung thêm đối tượng là "chuyên gia người nước ngoài". Đây là bước đi chưa có tiền lệ ở Việt Nam từ trước đến nay, đánh dấu sự biến chuyển về mặt tư duy trong việc sử dụng người tài, mở ra với nhóm nhân lực mới. Nhưng từ tư duy đến thực tiễn hành động còn là một khoảng cách rất xa, nếu ta nhìn vào tốc độ di chuyển của những nước xung quanh.
Khi thế giới ngày càng kết nối, di chuyển trở nên dễ dàng hơn, việc thu hút nhân lực chất lượng cao - bất kể nguồn gốc - là chính sách đang được ưa chuộng. Trong khu vực, chính phủ Singapore rất cởi mở trong việc thuê lao động nước ngoài làm việc trong những lĩnh vực không nhạy cảm. Stanley Fischer, kinh tế gia được giải Nobel có hai quốc tịch Israel và Mỹ, từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel và cả phó Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - một trong những cơ quan quyền lực nhất của nền tài chính toàn cầu. Một quốc gia nổi tiếng là bảo thủ với luồng nhập cư như Nhật Bản cũng vừa nới lỏng quy định tuyển lao động nhập cư, khi phải đối mặt với nạn thiếu hụt nhân lực trầm trọng.
Những lo ngại về vấn đề lao động nước ngoài không phải là không có, nhưng chúng phần lớn đến từ lao động phổ thông trong các dự án xây dựng của nhà thầu Trung Quốc. Thực tế cho thấy hệ thống xin phép làm việc có ngặt nghèo đến mấy cũng không quản lý được mối lo đó: tình trạng lao động Trung Quốc làm chui vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh thành, cộng với cách lách luật của một nhóm lao động phương Tây như chuyện "visa run". Chính sách hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề này bằng hệ thống lựa chọn lao động có phân nhóm theo trình độ, bằng cấp, hay chấm điểm như đã được nhiều quốc gia áp dụng.
Nhìn rộng hơn, thái độ dè dặt với lao động nước ngoài phản ánh tâm lý "phòng thủ" nói chung với các "yếu tố nước ngoài". Trong tất cả hoạt động trong nước, từ các sự kiện truyền thông, hội thảo khoa học, cho đến từ thiện, thời gian xin phép tổ chức sẽ tự động tăng lên gấp nhiều lần nếu có thêm "yếu tố nước ngoài".
Tất nhiên, mọi chính sách được ban ra hẳn có cái lý đằng sau nó. Nhưng, nói như một thành ngữ Anh phổ biến: "Anh không thể vừa muốn giữ lại vừa ăn chiếc bánh". Muốn thu hút được người giỏi từ khắp nơi thì môi trường sống và làm việc phải thông thoáng, thủ tục xin phép phải đơn giản, thể chế mang tính hỗ trợ và đãi ngộ tốt. Làm được như vậy thì chưa cần đến đề án nào, vẫn sẽ có thêm những người tài bay tới Việt Nam làm việc.
Nguyễn Khắc Giang