Tôi còn không cảm thấy ngày 8/3 có gì khác những ngày thường trong suốt gần 30 năm đầu đời, khi tôi chưa tới Việt Nam. Ở đây, tôi bị bất ngờ vì vào 8/3 nhiều người đổ xô ra đường hơn, kẹt xe nhiều hơn, hàng quán đông đúc, các khách sạn đều cháy phòng. Nhìn cảnh đó, tôi thường nhớ tới những người phụ nữ ở một đất nước khác.
Năm 2006, khi là một người lính Canada, tôi đặt chân đến Afghanistan. Canada điều quân đến Afghanistan với mục đích bảo vệ người dân và xây dựng lại cơ sở hạ tầng, như trường học và giếng nước. Lúc ấy, phiến quân Taliban đi qua núi từ Pakistan vào Afghanistan. Chúng muốn biến người dân thành người Hồi giáo cực đoan.
Một phần trong tôi thực sự rất yêu Afghanistan. Đó là một nước độc nhất vô nhị. Thứ mà bạn có thể nhìn thấy nhiều nhất, trải dài đất nước là sa mạc trong khi điện không hề tồn tại ở đây. Người dân vẫn duy trì lối sống như ông cha từ mấy nghìn năm trước. Phụ nữ gần như không có quyền gì.
Nhưng tôi đã được thấy rất nhiều phụ nữ vẫn độc lập vững vàng và giữ lập trường tuyệt vời trong một đất nước mà giáo dục bị cấm với nữ giới. Trong đó có Sakena Yacoobi. Ở Afghanistan, tôi đã được nghe kể nhiều về bà.
Mẹ của bà có thai mười sáu lần, nhưng chỉ năm người sống sót. Nhận thấy điều kiện y tế tồi tệ của đất nước, Sakena quyết định học ngành y. Bố của Sakena, một người có học thức, nói rằng: “Con trai hay gái đều không quan trọng. Dù thế nào nó vẫn sẽ được đến trường”. Bà được nhận vào Đại học Y tại chính đất nước mình, nhưng vì trường trong nước không có kí túc xá dành cho nữ, nên bố gửi bà đến Mỹ để tiếp tục ước mơ.
Trong thời gian Sakena Yacoobi ở Mỹ, Liên Xô tiến hành chiến tranh ở Afghanistan. Cả gia đình bà phải sống trong trại tị nạn. Vì thế, sau khi kết thúc việc học bà đón gia đình đến Mỹ cùng mình. Mặc dù có cuộc sống đầy đủ, an toàn của một giáo sư đại học, nhưng trái tim bà vẫn luôn hướng về Afghanistan. Sakena bỏ công việc, khăn gói trở về quê hương.
Bà đến những trại tị nạn với 7,5 triệu người đang vô cùng khổ cực, 90% trong đó là phụ nữ và trẻ em. Trái tim bà đau đáu bởi suy nghĩ làm sao giúp giảm bớt nỗi đau của họ. Bà nhìn lại cuộc đời mình, giáo dục đã cho bà cuộc sống tốt, hiểu biết và tự tin. Bà tìm thấy một giáo sĩ 80 tuổi. Bà đến lều của ông và nói: “Tôi muốn dạy ông trở thành giáo viên.”
Người đàn ông ném lại bà ánh mắt ngờ vực: “Người đàn bà điên! Cô nghĩ sao tôi có thể trở thành giáo viên chứ?”. “Đừng lo”, Sakena nói, “Tôi sẽ làm ông trở thành giáo viên được.”
Cuối cùng, ông ta chấp nhận. Rồi Sakena mở lớp với sự giúp sức của ông. Chỉ trong vòng một năm sau, 25 trường học được lập nên và 15.000 trẻ em được đi học. Một điều chưa từng xảy ra.
Sau này, khi Liên Xô rời khỏi Afghanistan và Taliban tiếp quyền kiểm soát cả đất nước, Sakena vẫn tiếp tục dạy học cho 3.000 học sinh dưới lòng đất. Rồi bà mở thêm các phòng khám và nhiều trường học, làm tất cả mọi thứ cho phụ nữ và trẻ em.
Một ngày trên đường tới bắc Kabul để đào tạo, bất ngờ xe của bà bị chặn bởi một nhóm 19 người đàn ông trẻ cùng súng trường trên vai. Chúng gọi tên Sakena và nhất quyết chỉ cần bà. Sakena nghĩ có lẽ hôm nay là ngày chết của mình. Taliban không thích một tí nào những trường học dành cho nữ giới.
Bà bước ra khỏi xe và hỏi: “Tôi có thể làm gì cho các anh?”.
Họ nói: “Chúng tôi biết bà là ai và làm gì. Hàng ngày bà đi mọi nơi huấn luyện phụ nữ, dạy họ, còn cho họ cơ hội việc làm. Còn chúng tôi thì sao?”
Bà sửng sốt: “Làm sao tôi biết”. Đám người kia nói tiếp: “Từ khi sinh ra chúng tôi chỉ biết cầm súng và giết chóc, đó là tất cả những gì chúng tôi biết”. Rồi họ để bà đi.
Từ trước tới nay, tổ chức của bà chỉ ủng hộ và dạy học cho nữ. Bà thấy bất lực và không biết phải làm thế nào. Hai ngày sau, Sakena quay lại đúng con đường đó, bà đến gặp họ: “Hãy đi cùng tôi”, bà tiếp lời, “Với điều kiện, các anh phải làm theo lời tôi nói”.
Họ đồng ý không do dự. Những người lính được học tiếng Anh, vi tính, kiến thức để trở thành thầy giáo. Họ cũng là hướng dẫn viên và bảo vệ của tổ chức.
Chuyện của Sakena Yacoobi chỉ là một trong hằng hà những câu chuyện về sự dũng cảm của phụ nữ Afghanistan. Rất nhiều phụ nữ đã hi sinh vì đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của bản thân và người khác.
8/3 là ngày đặt ra để tôn vinh phụ nữ, không phải để tôn vinh việc kẹt xe. Tôi hy vọng thông qua câu chuyện của Sakena mọi người sẽ cảm thấy ngày này có ý nghĩa hơn, dù là một chút.
Bởi vì sau đó, Sakena Yacoobi đã nói, rằng giáo dục có thể thay đổi con người. Khi bạn dạy họ, họ sẽ thay đổi. Chúng ta phải đấu tranh cho bình đẳng giới. Nhưng ta không thể chỉ luận đàm về phụ nữ mà bỏ quên đàn ông, vì chính đàn ông và định kiến của họ là người có thể sẽ mang lại khó khăn cho phụ nữ.
Đàn ông cần được biết tiềm năng của mình, biết tiềm năng của phụ nữ và hiểu rằng phụ nữ cũng làm được điều tương tự họ. Hãy tin tưởng và dành nhiều thời gian hơn cho đàn ông.
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)