Chuyến đi đó trước hết là để dành ra một khoảng lặng, bước ra khỏi cái vòng tròn cơm áo gạo tiền để nhìn lại, hiểu mình và đất nước của mình, hơn là vì kiến thức chuyên môn. Chính vì thế, ngoài việc học thì phần thời gian còn lại tôi dành cho việc đọc về các chủ đề liên quan đến văn hóa, xã hội và tìm hiểu đời sống của Hàn Quốc, nơi tôi đang theo học.
Tôi sục sạo vào thư viện và mạng Internet để đọc đủ thứ trên đời, trong đó có chú trọng đặc biệt vào kho tàng văn hóa phương Đông - trong sự liên hệ với tinh thần khoa học mà chúng tôi được đào tạo.
Cuối cùng, tôi cũng tìm ra một bộ giá trị phổ quát đậm chất phương Đông, để mang làm vốn giắt lưng. Đối với tôi, hai năm như thế là thành công, dù cái giá phải trả cũng không hề rẻ.
Rồi cẩn thận hơn, suốt 15 năm qua, tôi dành thời gian để chiêm nghiệm và kiểm chứng. Tôi coi đó là khung tham chiếu cho mọi hành xử và suy nghĩ của mình, đặc biệt là trong những việc liên quan đến giáo dục.
Ngày 20/11, tôi muốn cùng các thầy cô suy ngẫm về bộ giá trị phổ quát này. So sánh giữa các nghề đã đi qua, tôi thấy nghề dạy học là nghề khó nhất. Nghề dạy học không chỉ là một khoa học, mà hơn thế, nó còn là một nghệ thuật. Và đặc biệt, người thầy phải là chính điều họ dạy, thì điều đó mới có ý nghĩa.
Còn nếu người thầy chỉ dạy như nhắc lại sách vở, còn mình thì sống hoàn toàn khác so với điều mình dạy, thì việc dạy đó chỉ có tính cách hình thức, dạy cho xong việc, vì thế không có kết quả. Cuốn sách giáo khoa tốt nhất chính là đời sống của người thầy. Nội hàm giáo dục đúng nghĩa sẽ không chỉ giới hạn ở tri thức sách vở, mà còn phải mở rộng sang cả giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống thì mới đầy đủ.
Đó lý do tôi tin vào bốn giá trị giản dị đã được kiểm chứng bởi địa lý và thời gian: Chân - Thiện - Mỹ - Hòa.
Chân là thông tin và tri thức sử dụng phải chân thực, được kiểm chứng. Chân là mục đích của tư duy và nội dung của khoa học.
Thiện sống sao cho không gây hại cho mình, cho người khác và cho cuộc sống xung quanh. Thiện là mục đích của hành xử và nội dung đạo đức.
Mỹ là luôn hướng đến cái đẹp, cái tự nhiên nhất có thể. Mỹ là mục đích của sự trở thành và nội dung của nghệ thuật.
Hòa là luôn giữ được sự cân bằng, hài hòa với mình, với người và với thiên nhiên, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Hòa là mục đích của lựa chọn và nội dung của tổ chức xã hội, sinh hoạt văn hóa và tôn giáo.
Sự bế tắc của giáo dục hiện tại - vốn đã được phân tích nhiều lần - thể hiện trước hết ở việc quá tải về trang bị kiến thức sách vở, nhưng thiếu hụt giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống.
Ngoài ra, giáo dục cũng đang thiếu một bộ giá trị chung có thể định hướng nội dung và chuẩn mực giảng dạy cho các mảng tri thức, đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống này. Tôi quan niệm, một người đi qua cuộc sống này cũng giống như một lữ khách đang đi trên hành trình vạn dặm của đời mình. Để không bị lạc đường, thì điều quan trọng nhất với người lữ khách không phải là lượng tiền bạc giắt lưng, mà là một la bàn chỉ rõ bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc.
Nếu sử dụng bộ giá trị phổ quát Chân - Thiện - Mỹ - Hòa này làm định hướng, ta sẽ thấy chuẩn mực của giáo dục tri thức là Chân, giáo dục đạo đức là Thiện, giáo dục nhân cách là Mỹ, giáo dục kỹ năng sống là Hòa.
Nhờ đó, giáo dục sẽ ngay lập tức vượt ra khỏi sự lệch lạc nhồi nhét tri thức sách vở, để trở thành một thể toàn diện và thống nhất, vừa trang bị tri thức với chuẩn mực là Chân, vừa giáo dục đạo đức với chuẩn mực là Thiện, rèn giũa nhân cách với chuẩn mực là Mỹ, và phát triển kỹ năng sống với chuẩn mực là Hòa.
Dù nội dung chương trình có thay đổi như thế nào đi chăng nũa, chỉ cần người thầy giữ thật vững được bốn giá trị Chân - Thiện - Mỹ - Hòa để định hướng cho việc giảng dạy, và rộng hơn là định hướng cho đời sống của mình và học trò, thì mục tiêu của giáo dục sớm muộn gì cũng sẽ đạt được.
Tôi nghĩ, giáo dục không cần phải chạy theo những chương trình cải cách cao xa. Với tư cách là một người cha có con đang đi học, bản thân tôi cũng không mong gì hơn việc con mình được các thầy cô trang bị và rèn giũa bốn giá trị Chân - Thiện - Mỹ - Hòa này. Nếu được như thế, con tôi dù ở đâu, làm gì, có gặp khó khăn sóng gió hay phải đối mặt với cạm bẫy nào, tôi cũng thấy yên tâm.
Có như thế, giáo dục mới hết hoang mang. Có như thế, giáo dục mới thực sự là giáo dục. Và con người mới thực sự trở thành người.
Giáp Văn Dương