Mỗi khi vỡ mắt kính, thay đổi tỷ lệ cận thị, tôi ghé bà trong giờ ăn trưa. Một đôi mắt kiếng không tính gọng, bà Khanh lấy giá 350.000 đến 550.000 đồng tùy loại. “Không cần lo về giá đâu cưng, cô lấy cưng khi nào cũng rẻ nhứt vì là khách lâu năm. Cô bán đây 15 năm rồi”. Bà khi nào cũng rót cho tôi ly nước mát lạnh, hay khăng khăng “Ăn miếng dưa này cho mát”. Giá mắt kính của bà Khanh đúng là rẻ hơn cả cửa hàng mắt kính lớn gần nhà tôi, bên quận Tư.
Cách đây 4 tháng, có anh bạn Steve từ Mỹ sang Việt Nam làm việc. Anh bị vỡ mắt kính, đến văn phòng phân trần, sao vào chợ Bến Thành mà giá kính không có nhãn mác mắc gần bằng giá ở Mỹ. Đồng nghiệp cười bò: “Có biết máy chém chợ Bến Thành là thế nào không hả?”. Tôi nhắn Steve: “Đi ra địa chỉ này, gặp cô Khanh, nói bạn của tao nhé, không cần mặc cả”. Hôm sau Steve còn kêu thảm thiết hơn: “Bà ấy ‘chém’ đôi mắt kiếng không có gọng 1,5 đến 2 triệu đồng, mày có nhầm bà nào khác không?”
Tôi nhắn vợ, đi làm về ghé qua bà Khanh, hỏi sao bán mắc cho khách vậy. Vợ tôi sau đó kể rằng cô Khanh giữ lại nói chuyện lâu lắm. Cô nói từ ngày chặn đường ế quá, cả ngày có một khách.
Cô ấy bảo: “Em ơi, chị không bán giá cao thì chắc phải bỏ mối làm ăn”. Rào chắn thi công dự án metro số 1, đang chặn ngang trước quầy kính mắt của mẹ con bà Khanh.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang, trưởng Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM mới đây lý giải về nguy cơ phải tạm dừng Dự án metro số 1 TP HCM (đoạn Bến Thành - Suối Tiên). Theo ông Quang, dự án hết sức quan trọng này nếu không được cứu thì hệ lụy vô cùng lớn. Các nhà thầu Nhật Bản thông báo giãn tiến độ, thậm chí xem xét việc tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu hoàn thành vào 2020; ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản...
Ông “hết sức tha thiết đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét càng sớm càng tốt” bởi dự án chậm ngày nào là gây ra thiệt hại nhiều mặt và ảnh hưởng rất lớn, “hậu quả sẽ không lường hết được”.
Đúng là không thể lường hết được, khi mà cái tôi chứng kiến đang mất đi không chỉ là đồng tiền, mà còn cả vốn xã hội: sự tử tế của bà chủ mắt kiếng gần 20 năm cũng đã sứt mẻ.
Theo dõi câu chuyện từ góc độ một người nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính, tôi thấy rất nhiều điểm khó hiểu và có ít nhất bốn câu hỏi mà chính phủ cần giải thích một cách công khai, rõ ràng, không chỉ với Quốc hội mà với đông đảo người dân.
Thứ nhất, vì sao tổng mức đầu tư bị đội từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng? Nếu nói 47.000 tỷ là hợp lý thì nghĩa là ước tính ban đầu có vấn đề. Đơn vị lập dự án đầu tư ban đầu, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi-South), có phải chịu trách nhiệm cho những ước tính thấp đến phi lý ban đầu của họ không?
Thứ hai, vì sao quả bóng trách nhiệm cho một đại dự án, ảnh hưởng đến hàng triệu dân bị “đá qua đá lại” suốt một thập kỷ như vậy? Từ năm 2008, đơn vị tư vấn trúng thầu NJPT đã đề xuất tổng mức đầu tư mới là 47.000 tỷ đồng. Ba năm sau, mức vốn này được phê duyệt. Thế nhưng tại sao đến nay quyết định đầu tư này vẫn chưa được trình để Quốc hội thông qua? Những cơ quan nào của chính phủ đã góp phần khiến quá trình này kéo dài suốt 6 năm như vậy?
Thứ ba, sau này ai sẽ làm ăn với Việt Nam khi dự án lớn, mang tính thể diện quốc gia còn được xử lý như vậy? Môi trường đầu tư đã bị quệt một vết sơn dính.
Cuối cùng và quan trọng nhất: Nếu dự án tiếp tục bế tắc vô thời hạn, những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất (chưa nói tới người bị ảnh hưởng gián tiếp) sẽ được bồi thường hay hỗ trợ gì hay không?
Trước đây, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể tại khu vực đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi, Quận 1 bị ảnh hưởng nặng nề khi con đường chắn rào thi công metro từng được hứa hẹn xin cấp trên hỗ trợ giảm thuế.
Sau vài năm, lời hứa tan vào mây khói, chỉ còn một câu “day dứt về tình trạng khó khăn của các hộ và mong các hộ kinh doanh thông cảm”. Nhiều cửa hàng đã đóng cửa. Bà Khanh nói bà cũng không tha thiết giữ khách bởi có lẽ bà cũng bỏ cuộc, “xui thì ráng mà chịu”. Cái mất ở đây, còn là vốn xã hội, nơi tinh thần kinh doanh, sự tử tế với khách hàng cũng không thể chịu nổi sức ép của đại công trường. Giá trị ấy khó mà đo được bằng tiền.
Quá trình hiện đại hóa hệ thống hạ tầng ở Việt Nam, khi triển khai bất cập, có thể làm xấu đi hình ảnh của môi trường đầu tư lẫn hình ảnh “kiến tạo” mà chính phủ đang cố xây dựng.
Khía cạnh nào của khái niệm “chính phủ kiến tạo” được vận dụng ở đây khi mà người kinh doanh bị xui rủi vì kỹ năng quản lý chính sách công kém?
Hồ Quốc Tuấn