Tối 3/10, vừa xong buổi diễn ở Gia Lai, Siu Black lập tức đến thành phố Buôn Mê Thuột để viếng hương hồn Y Moan về với núi rừng. Ngay khi đặt chân đến đầu ngõ vào nhà, nữ ca sĩ đã không kìm được lòng mình, bật khóc. Và chị òa lên khi nhìn thấy quan tài.
Siu Black bật khóc bên vợ NSND Y Moan - chị Nguyễn Thị Minh Ngẫu. |
"Em đã hình dung ra được ngày này, nhưng không ngờ nhanh như vậy", đưa bàn tay sờ lên mặt kính nắp quan tài như muốn "vẫy gọi" người anh đồng nghiệp tỉnh dậy, Siu Black nức nở nói với vợ của Y Moan. Rồi hai người phụ nữ ôm nhau, cùng khóc.
Lấy lại bình tĩnh sau giây phút xúc động, Siu Black chia sẻ, tuy không phải lúc nào cũng được kề vai sát cánh, nhưng "anh cả cao nguyên" Y Moan lúc nào cũng là động lực thúc đẩy chị trên con đường nghệ thuật, là niềm an ủi động viên để Siu luôn "đốt cháy" mình trong âm nhạc dù có gặp khó khăn nào trong cuộc sống. "Sự ra đi của anh là một mất mát quá to lớn. Con đường âm nhạc của Siu đã không còn ai đi cùng nữa rồi. Trước mắt tôi sao bỗng thênh thang quá, giống như một mình bước trên sa mạc vậy", giọng Siu Black nghẹn ngào.
Không chỉ Siu Black, sự ra đi của NSND Y Moan để lại niềm nuối tiếc vô hạn cho những người từng sống và làm việc cùng anh.
Thứ trưởng Bộ VH - TT - DL Hồ Anh Tuấn chia sẻ sự nuối tiếc với gia đình NSND Y Moan. |
Sáng 4/10, nghệ sĩ Mạnh Trí đến viếng "người học trò cưng" của mình. Ông là người thày đầu tiên, dìu dắt và bảo lãnh cho Y Moan gia nhập Đoàn ca múa nghệ thuật của tỉnh với tư cách trưởng đoàn từ năm 1975 đến 1982.
"Ngày mới vào đoàn, tuy có chất giọng tốt nhưng cách thể hiện giai điệu của Moan vẫn chưa có hồn lắm. Nhờ sự đam mê, khả năng tiếp thu nhanh lại cần cù học hỏi nên chỉ sau một thời gian ngắn, giọng ca Y Moan đã vang xa khắp Tây Nguyên. Moan thích nhất là được đi biểu diễn ở các buôn làng cho đồng bào mình nghe", nghệ sĩ Mạnh Trí bồi hồi nhớ lại.
Nhạc sĩ Kpă Y Lăng, người bạn tâm giao của Y Moan từ năm 1977 bày tỏ niềm thương tiếc: "Có thể rồi Tây Nguyên sẽ xuất hiện Y Moan mới. Nhưng Y Moan mãi mãi là 'anh cả' của âm nhạc, là ngọn cờ đầu trong việc giữ gìn và phát triển nền văn hóa Tây Nguyên".
Còn trong quyển sổ phân ưu, nghệ sĩ Linh Nga Niê Kđăm - nguyên Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Đăk Lăk - trải lòng: "Đã không còn được hát với tất cả sự đam mê và đắm say với quê hương, với âm nhạc Tây nguyên, thì chim Mlin bay lên với đất cao nguyên thôi. Nhưng mà đau lắm Moan ơi. Vẫn còn đó tiếng hát em bay, bay...".
Đến ngày 4/10, đã có khoảng 3.000 lượt người đến viếng, phân ưu cùng tang quyến. Lễ an táng NSND Y Moan sẽ diễn ra vào 7h30 sáng 5/10. Ước tính sẽ có khoảng 10.000 người tham dự.
Bài và ảnh: Minh Thảo