Hồng Ánh nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo quy định của Ban tổ chức, phim nhựa đoạt giải Cánh Diều Vàng phải có số điểm trung bình của Ban giám khảo từ 9,1 trở lên. Năm bộ phim "Huyền thoại bất tử", "Trăng nơi đáy giếng", "Chuyện tình xa xứ", "Đẹp từng centimet", "Giải cứu thần chết" đều không đáp ứng được điều này. Cùng đạt 8,77 điểm, "Huyền thoại bất tử", "Trăng nơi đáy giếng" chung nhau Cánh Diều Bạc. Thấp hơn 1 điểm, "Chuyện tình xa xứ" nhận giải Khuyến khích. Như vậy, một lần nữa, giải Cánh Diều Vàng dành cho phim truyện nhựa lại không tìm được chủ.
Ở giải thưởng năm nay, dòng phim nghệ thuật lên ngôi. Không chỉ có hai Cánh Diều Bạc kể trên, một đại diện cho dòng phim này là "Cú và chim se sẻ" còn chiến thắng ở hạng mục Phim hợp tác với nước ngoài. Hai giải thưởng quan trọng nữa là Nam, Nữ diễn viên chính xuất sắc cũng thuộc về "Huyền thoại bất tử" và "Trăng nơi đáy giếng". Đây là hai giải thưởng mà nhiều người đã đoán trước bởi sự xuất sắc vượt trội của Hồng Ánh và Dustin Trí Nguyễn trong hai câu chuyện nhiều éo le, xúc động. Khả năng nhận giải của Hồng Ánh dường như được đảm bảo bằng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan quốc tế Dubai trước đó. Dustin Nguyễn thì có đẳng cấp quốc tế của một diễn viên Hollywood. Anh không chỉ chinh phục khán giả ở những màn võ thuật điêu luyện hiếm có trên phim Việt mà còn ở những cảnh lấy nhiều nước mắt người xem, khác hoàn toàn diễn xuất còn nhiều ngô nghê của Chí Thiện trong "Giải cứu thần chết" hay vai diễn chưa tới của Lương Mạnh Hải trong "Đẹp từng centimet". Đáng tiếc là Dustin Nguyễn không có mặt ở Việt Nam để đến nhận giải thưởng này.
Trần Bảo Sơn lên nhận giải Nam diễn viên phụ xuất sắc không quên cám ơn sự ủng hộ của vợ là nữ diễn viên Trương Ngọc Ánh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cánh Diều Vàng 2008 ghi dấu ấn không nhỏ của những diễn viên Việt kiều. Ngoài cái tên Dustin Nguyễn, điện ảnh Việt Nam còn ghi nhận Trần Bảo Sơn, Kathy Uyên ở hạng mục Nam, Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyện nhựa.
Tính số giải thưởng mà từng phim đoạt được năm nay thì vị trí quán quân thuộc về "Huyền thoại bất tử" với 6 giải thưởng: Cánh Diều Bạc cho phim, Nam chính xuất sắc, Nam diễn viên phụ xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc (Lưu Huỳnh), Quay phim xuất sắc (Nguyễn K’Linh), Nhạc sĩ xuất sắc (Đức Trí). Về nhì là "Trăng nơi đáy giếng" với 4 giải thưởng: Cánh Diều Bạc cho phim, Nữ diễn viên chính xuất sắc, Biên kịch xuất sắc (Châu Thổ), Họa sĩ xuất sắc (Mã Phi Hải). "Chuyện tình xa xứ", "Cú và chim se sẻ" đồng về ba với ba giải thưởng. "Chuyện tình xa xứ" giành giải Khuyến khích cho phim, Nữ diễn viên phụ xuất sắc và Phim được khán giả bình chọn. Trong khi đó, "Cú và chim se sẻ" có đôi chút trục trặc, đến sáng ngày 27/2 băng hình mới đến tay Ban tổ chức, nhưng đã gây nhiều bất ngờ khi nhận giải Phim hợp tác với nước ngoài, giải Báo chí bình chọn và giải Diễn viên triển vọng cho bé Phạm Gia Hân đóng vai Thủy, đứa trẻ mồ côi. Tuy chưa một lần đóng phim nhưng cô bé này đã vào vai khá ngọt.
Mặc dù lập kỷ lục về doanh thu và lượng vé bán khi ra rạp, "Giải cứu thần chết" không đoạt giải Khán giả bầu chọn như nhiều người dự đoán mà chỉ được một giải nhỏ cho Âm thanh (Nguyễn Viết Thanh). "Đẹp từng centimet" trắng tay. Cả hai diễn viên chính Tăng Thanh Hà - Lương Mạnh Hải đều có mặt ở Hà Nội để tham dự nhưng không ai được xướng tên. Tuy nhiên, nếu có mặt ở lễ trao giải, Vũ Ngọc Đãng cũng không đến mức ra về tay không. Anh được nhận Cánh Diều Bạc cho phim "Bỗng dưng muốn khóc" ở giải cho Phim truyền hình.
Đoàn làm phim "Chạy án 2" lên nhận giải. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ở hạng mục Phim truyền hình, lịch sử Cánh Diều Vàng 2006 lặp lại. Vũ Ngọc Đãng từng nhận Cánh Diều Bạc năm 2006 cho "Tuyết nhiệt đới", còn người hai lần về trước anh để nhận Cánh Diều Vàng là Vũ Hồng Sơn với hai phần phim "Chạy án". "Chạy án" của Vũ Hồng Sơn thắng lớn không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế với tượng vàng Liên hoan phim Tokyo tại Nhật.
Hội điện ảnh Việt Nam cũng nhân lễ trao giải này vinh danh những đóng góp của NSND Hải Ninh - một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam và có những bộ phim để đời: "Người chiến sĩ trẻ", "Rừng o Thắm", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội", "Mối tình đầu", "Đất mẹ", "Kiếp phù du", "Thành phố lúc rạng đông"… Cũng nhân lễ trao giải, Hội đã tưởng niệm NSƯT Phương Thanh bằng bài hát "Đời gọi em biết bao lần" trong phim "Tội lỗi cuối cùng", kết hợp với phần hình ảnh của chị khi đảm nhận vai Hiền “Cá Sấu” làm xúc động những người có mặt.
Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2008 tuy cập rập về thời gian do phải đẩy sớm lên hai tuần so với dự định, khó khăn trong việc liên tục thay đổi địa điểm tổ chức nhưng đã diễn ra êm thấm, công tác tổ chức khá kỹ với những màn múa hát, những bài phát biểu được chuẩn bị chu đáo, hạn chế được sự nhầm lẫn của MC và diễn viên. Tuy nhiên, việc học tập lễ trao giải Oscar để năm gương mặt Ngọc Oanh, Hà Anh Tuấn, Trương Ngọc Ánh, Long Vũ, Hoa hậu Ngô Phương Lan nói về cảm nhận từng bộ phim còn khá gượng, cách tiếp đón ngoài đại sảnh không chu đáo, khán giả chen lấn nhau chạy lên thảm đỏ chụp ảnh chung với diễn viên dẫn đến sự xô bồ.
Giải thưởng Cánh Diều Vàng 2008: Phim truyện nhựa: Biên kịch xuất sắc: Châu Thổ (phim "Trăng nơi đáy giếng") Phim truyền hình nhiều tập: Phim truyện video Phim tài liệu video: Phim tài liệu nhựa: Phim khoa học: Phim hoạt hình: Công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình: Thành tựu trọn đời: Nghệ sĩ nhân dân Hải Ninh |
Ngọc Trần