Sau khi đoạt giải Mai Vàng, tối 13/3, tại Nhà hát Hòa Bình TP HCM, Ninh Dương Lan Ngọc một lần nữa được xướng tên với danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc trong lễ trao giải Cánh Diều Vàng. So với những gì Lan Ngọc thể hiện trong Cánh đồng bất tận, kết quả này không khiến khán giả bất ngờ. Hơn nữa, vai diễn của cô cũng được các giám khảo đánh giá cao. Sự trùng khớp giữa ý kiến giới chuyên môn và khán giả khiến chiến thắng của Lan Ngọc trở nên thuyết phục.
NSND Thế Anh (trái) và diễn viên Như Quỳnh (phải) trao giải Diễn viên chính xuất sắc cho Ninh Dương Lan Ngọc (áo đỏ) và Đình Toàn. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Diễn viên Võ Thanh Hòa, vai Điền, em trai Nương trong Cánh đồng bất tận cũng nhận danh hiệu Nam diễn viên phụ xuất sắc trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Nam diễn viên trẻ có khuôn mặt rặt vẻ nông dân miền Tây đã thể hiện nhiều cảnh diễn cảm động, chân thật, khắc họa được nội tâm đứa trẻ lạc loài lớn lên giữa sông nước, ruộng đồng.
Riêng ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện nhựa, ngay từ đầu mùa giải, nhiều khán giả cho rằng, ứng viên "nặng ký" của danh hiệu này là Quách Ngọc Ngoan. Bởi anh giữ hai vai quan trọng trong cả hai bộ phim Long thành cầm giả ca và Khát vọng Thăng Long. Tuy nhiên, diễn xuất "còn đều đều" của Ngọc Ngoan ở cả hai tác phẩm điện ảnh lịch sử khiến cho nhân vật vua Lê Long Đĩnh của diễn viên Đình Toàn được chú ý hơn.
Bảng bình chọn của VnExpress.net lập ra vào ngày 12/3 có gần 5.000 phiếu do độc giả bình chọn, trong đó diễn viên Lan Ngọc được độc giả VnExpress.net yêu thích nhất với gần 2.000 phiếu bầu. |
Vốn là nghệ sĩ sân khấu, lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh, Đình Toàn đã nỗ lực thể hiện thần khí của một ông vua mang nhiều tiếng xấu và là nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử Việt Nam. Nỗ lực của anh được ghi nhận xứng đáng bằng danh hiệu danh giá mà Ban giám khảo Cánh Diều trao cho.
Phim truyện nhựa được nhắc đến khá nhiều trong đêm trao giải tối 13/3 chính là Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Ngoài hai giải dành cho diễn viên, bộ phim chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư còn nhận được Giải báo chí phê bình điện ảnh dành cho phim truyện nhựa xuất sắc 2010, Giải Cánh Diều Bạc và Giải dành cho âm nhạc (nhạc sĩ Quốc Trung).
Sau khi Cánh đồng bất tận được trao Cánh Diều Bạc cùng Khát vọng Thăng Long và Vũ điệu đam mê, không khó để đoán giải thưởng quan trọng và được chờ đợi nhất của sự kiện này năm nay: Cánh Diều Vàng phim truyện nhựa xuất sắc thuộc về phim Long thành cầm giả ca. Là một trong những "công trình nghệ thuật" chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bộ phim của đạo diễn Đào Bá Sơn xứng đáng được vinh danh bởi giá trị nhân văn, tinh thần dân tộc cùng những nỗ lực thể hiện rõ nét cái "hồn" của đất nước và con người Việt Nam.
Đạo diễn Đào Bá Sơn (trái) cùng tập thể phim "Long Thành Cầm giả ca" nhận giải Cánh diều vàng 2010. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Dù khán giả còn đôi chỗ nuối tiếc cho phim về mặt âm thanh hay diễn xuất của hai nhân vật chính trong phim, về tổng thể Long thành cầm giả ca là một tác phẩm điện ảnh đẹp, giàu cảm xúc, thấm đượm niềm tự hào văn hóa Việt.
Việc thiếu vắng các bộ phim như: Để Mai tính (nhà sản xuất không kịp gửi phim dự giải), Bi, đừng sợ! (bản quyền tác phẩm do phía các nhà tài trợ tại nước ngoài nắm giữ), phim 3D Bóng ma học đường, Em hiền như Ma sơ... cũng để lại nhiều nuối tiếc cho khán giả và với giới chuyên môn. Bởi nếu danh sách hạng mục phim truyện nhựa Cánh Diều năm nay được dày dặn thêm, phần tranh giải sẽ thêm tính gay cấn và hấp dẫn.
Cánh Diều 2010 cũng đánh dấu sự góp mặt lần đầu của phim ngắn như một thể loại độc lập. Dù chưa chọn được Cánh Diều Vàng để trao giải, trong 41 phim tham dự, ban giám khảo đã trao Cánh Diều Bạc cho Đường kiến của Thiều Hà Quang Nghĩa và Mẹ và con của Phan Huyền My.
Ngoài ra, nhiều giải thưởng còn được trao cho những tác phẩm điện ảnh ở các hạng mục: Phim hoạt hình, phim khoa học, phim tài liệu, phim ngắn, phim truyện video, phim truyện nhựa... Các giải cá nhân được trao cho hạng mục: đạo diễn xuất sắc, quay phim, họa sĩ, âm thanh, nhạc sĩ...
Nhạc sĩ Quốc Trung nhận giải Nhạc sĩ xuất sắc phim truyện nhựa cho âm nhạc trong phim "Cánh đồng bất tận". Ảnh: Lý Võ Phú hưng |
Việc dùng khoảng thời gian đầu tiên của chương trình để tôn vinh thành tựu trọn đời của các cố đạo diễn Nguyễn Văn Thông, Trần Vũ và Nguyễn Ngọc Quỳnh, cho thấy Cánh Diều đang nỗ lực tiến tới một tầm mức cao hơn trong cách ứng xử với những bậc tiền bối có công với ngành điện ảnh.
Tuy vậy, cũng giống như phần lớn các sự kiện văn hóa, giải trí trong nước, Cánh Diều 2010 không thể tránh khỏi hạt sạn. Thanh Mai và Hồng Phúc, hai diễn viên vốn có bề dày trong hoạt động dẫn chương trình, lại vài lần vấp lỗi khi xướng sai tên người đoạt giải, gọi nhầm tên người trao giải như: diễn viên Ngân Khánh thành Lê Khánh, Nguyễn Trung Thực thành Phạm Trung Thực... Còn trên màn ảnh tivi, nhà đài ghi chú ca sĩ Văn Mai Hương thành Mai Văn Hương, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn thành Đinh Trọng Tuấn...
Không chỉ vậy, ngay từ đầu, do không mời các nhân vật đoạt giải phát biểu cảm nghĩ, hai MC để lỡ nhiều khoảnh khắc cho họ có dịp bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ cũng như nói lời cảm ơn. Chỉ đến gần cuối lễ, điều này mới được khắc phục.
Kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, toàn bộ lễ trao giải diễn ra trong "biên độ an toàn" theo ý muốn của những người thực hiện chương trình: mang tính trang trọng, chỉn chu về mặt hình thức. Nhưng dù có cố gắng, biên độ này vẫn bị phá vỡ vì nhiều lý do khác nhau khiến cho người xem không ít lần phì cười vì những gì diễn ra trên sân khấu.
Khi đọc tên người đoạt giải, hai MC liên tục quay sang nhờ nghệ sĩ công bố đọc giùm tên nhân vật, tên phim để... chép lại khiến chương trình hụt mất nhiều thời gian. Màn dạo đầu buổi lễ dài 40 phút rồi mới đến phần trao giải khiến cho khán giả ngao ngán không hiểu nổi tại sao quỹ thời gian của Ban tổ chức lại bị phung phí đến như thế. Dù muốn hạn chế tình trạng nghệ sĩ trao giải "nổi hứng" phát biểu lê thê, cuối cùng, Cánh Diều 2010 không tránh được cảnh Ngân Khánh "chiếm diễn đàn" để chia sẻ cảm nhận, còn diễn viên Thanh Thúy "tranh thủ" hỏi thăm đạo diễn Đặng Nhật Minh, rằng: "... Bao giờ thì anh mời em đóng phim của anh?". Trước khi Thanh Thúy nói ra câu này, Đặng Nhật Minh đã cố gắng nhắc người đẹp tiết kiệm thời gian cho chương trình.
Chỉ có hai tiết mục văn nghệ được trình diễn trong đêm này là ca sĩ Mỹ Lệ với Dòng sông không trở lại của nhạc sĩ Bảo Phúc và Khát vọng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn do Nam Khánh thể hiện. Còn lại, điệp khúc "xướng tên - trao giải" khiến cho buổi lễ diễn ra lặp đi lặp lại, khá tẻ nhạt và thiếu điểm nhấn.
Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam lý giải, Cánh Diều là ngày hội thường niên của nghệ sĩ và công chúng điện ảnh nhằm "báo cáo sinh động kết quả hoạt động của điện ảnh và truyền hình trong năm qua". Còn ông Trịnh Lê Văn, đạo diễn chương trình, cũng khẳng định ngay từ đầu, lễ trao giải không có những màn biểu diễn ca nhạc hoành tráng, dàn dựng công phu vì đây không phải là một chương trình giải trí. Tuy nhiên, nhiều khán giả nhận xét, nếu chỉ dừng lại ở biên độ an toàn: "báo cáo và trao giải", thì chắc chắn rằng, Cánh Diều ngày càng khiến người xem cảm thấy nhàm chán, tẻ nhạt.
Thoại Hà