Đạo diễn Nguyễn Thước (trái) và nhà biên kịch Phan Huyền Thư. Ảnh: ST. |
Về Giải thưởng Nhà nước lĩnh vực điện ảnh, nổi lên tranh cãi giữa Nguyễn Thước và Phan Huyền Thư, Phan Thanh Tú. Hai nữ biên kịch cho rằng đạo diễn không xứng đáng được xét duyệt giải thưởng, trong khi Nguyễn Thước khẳng định, hồ sơ của ông đảm bảo đầy đủ yêu cầu theo thông tư hướng dẫn của nhà nước.
Ngày 13/7, Vụ Thi đua Khen thưởng - Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch gửi công văn trả lời khiếu kiện của hai nhà biên kịch Phan Huyền Thư, Phan Thanh Tú. Công văn viết: “Việc xét tặng Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật được quy định cụ thể tại thông tư số 03 ra ngày 27/5/2010, quy định đối tượng xét tặng giải thưởng là các tác phẩm chứ không phải là các tác giả. Hội đồng cấp Bộ nhất trí trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho cụm tác phẩm: Chất xám, Những công dân @, Sự nhọc nhằn của cát mà đạo diễn Nguyễn Thước là đại diện chứ không phải xét tặng Giải thưởng Nhà nước cho đạo diễn Nguyễn Thước, với điều kiện phải bổ sung ý kiến đồng thuận, nhất trí của các đồng tác giả".
Nhà biên kịch Phan Huyền Thư cho biết, từ khi làm hồ sơ dự giải đến khi có công văn của Bộ, đạo diễn Nguyễn Thước chưa lần nào liên lạc với chị và Phan Thanh Tú. Phan Huyền Thư khẳng định, đơn thư của chị và Phan Thanh Tú chỉ nằm ở việc đóng góp với Hội đồng ý kiến cá nhân khi thấy chùm tác phẩm điện ảnh mà Nguyễn Thước đăng ký còn mỏng so với những chùm tác phẩm, công trình đồ sộ, có giá trị của các đạo diễn, nghệ sĩ đã quá cố; chưa phải xuất sắc về chất lượng nghệ thuật. Trong thư ngỏ gửi báo chí, con gái NSND Thanh Hoa viết: Tôi và chị Phan Thanh Tú đã thống nhất quan điểm là chúng tôi rất cảm ơn Hội đồng xét giải nhưng xin phép được rút khỏi danh sách xét tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm tác phẩm Chất xám, Những công dân @, Sự nhọc nhằn của cát mà anh Thước đã là người đại diện đăng ký hồ sơ. Chị cho biết, chị và Phan Thanh Tú sẽ thôi khiếu kiện, thắc mắc mà chờ kết quả của Hội đồng cấp Bộ.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng cho biết, ông và 10 nhạc sĩ sẽ tiếp tục kiến nghị để tìm lại sự trong sáng, công bằng cho Hội nhạc sĩ Việt Nam. Ảnh: ST. |
Tuy nhiên, cả đạo diễn Nguyễn Thước lẫn lãnh đạo Hội điện ảnh VN đều cho rằng, xét giải thưởng Nhà nước về điện ảnh là xét cho tác giả, chứ không phải cho tác phẩm.
Trả lời VnExpress.net, Nguyễn Thước khẳng định, không có chuyện ông đi xin thỏa thuận với Phan Huyền Thư, Phan Thanh Tú. Vị đạo diễn cho biết, ông sẽ có đơn trình bày gửi lên Hội điện ảnh, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch kiến nghị về việc này. “Trên generique của phim Pháp - người ta viết là Un film de, phim Mỹ viết là A film by - dịch ra tiếng Việt là Một phim của đạo diễn. Đạo diễn luôn là tác giả chính của tác phẩm điện ảnh. Tôi đã xem chứng nhận giải thưởng Nhà nước của các đạo diễn khác, trong đó chỉ ghi tên đạo diễn, chứ không ghi tên toàn bộ êkíp thực hiện” - Nguyễn Thước chia sẻ. Vị đạo diễn của Hãng phim Tài liệu Trung ương cho rằng, Bộ nên xem xét lại công văn vì Giải thưởng Nhà nước là dành cho tác giả chứ không cho tác phẩm. “Nếu Bộ yêu cầu tôi phải bổ sung ý kiến đồng thuận, nhất trí của các đồng tác giả của cụm tác phẩm thì tôi cho rằng, 15 bộ hồ sơ còn lại cũng phải có điều này để đảm bảo sự công bằng” - ông Thước bày tỏ.
NSƯT, đạo diễn Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội điện ảnh VN - cho biết, ông đã chỉ thị Hội đồng cấp cơ sở họp để có công văn gửi lên Bộ trong hôm nay (18/7). Theo ông Hải, trường hợp của đạo diễn Nguyễn Thước phải căn cứ vào nghị định 03, hướng dẫn 3423 của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và điều 38 của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Nguyễn Thước đăng ký dự Giải thưởng Nhà nước ở góc độ đạo diễn và đã kê khai đầy đủ hồ sơ, nếu việc kê khai làm phương hại tới người khác mới làm nảy sinh tranh chấp, nhưng với ba tác phẩm Chất xám, Những công dân @, Sự nhọc nhằn của cát không có đồng đạo diễn nên không cần phải xin sự đồng thuận. “Theo điều 38 Luật sở hữu trí tuệ, các đồng tác giả sáng tạo ra tác phẩm nếu có phần riêng biệt mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác có thể tách ra sử dụng độc lập. Hướng dẫn 3423, biên kịch có thể đề nghị xét duyệt giải thưởng bằng việc gửi hồ sơ về Hội đồng văn học của Hội nhà văn. Ở đây, chúng tôi chỉ xét duyệt vai trò đạo diễn của anh Nguyễn Thước thế nào” - ông Hải phát biểu. Theo ông, từ sự việc này, các ban ngành liên quan cần ngồi lại với nhau xem xét lại các văn bản hướng dẫn, cùng tranh luận về luật để đưa ra các ranh giới rõ ràng, tránh những khúc mắc, khiếu kiện.
Ngày 15/7, trên trang web của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cũng đã công bố lại danh sách các nhạc sĩ lọt vào đề cử Giải thưởng Nhà nước, trong đó ngoài 28 cái tên đã được đưa trước đó, có thêm tên của 5 vị nhạc sĩ khiếu kiện gồm Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Thế Song, Lê Việt Hòa và một gương mặt mới là Đoàn Phi Liệt. Tuy nhiên, các vị nhạc sĩ cho biết, các ông không hề biết mình được “vớt” vì không có thông báo chính thức nào và việc này không khiến các ông hài lòng. “Chúng tôi đấu tranh thẳng thắn chứ không phải làm mọi việc để mong mình được vào danh sách. Họ im lặng đưa chúng tôi vào danh sách tức là họ thừa nhận đã làm sai nhưng không công khai xin lỗi. Ngoài ra, tên 28 vị được Hội đồng thông qua trước đó vẫn giữ nguyên, bao gồm 11 người chưa xứng đáng: Đỗ Hồng Quân, Đức Trịnh, Lê Lan, Lê Tình, Vĩnh Lại, Nguyễn Chính, Cát Vận, Thập Nhất, Vũ Thành, Thanh Anh, Doãn Tiến. Đây là hai cái sai mà chúng tôi không thể chấp nhận” - nhạc sĩ Đoàn Bổng bức xúc.
Cũng theo tác giả của Dòng sông quê anh, dòng sông quê em, ngoài ông, Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Thế Song, Lê Việt Hòa, nhiều nhạc sĩ khác xứng đáng được vào danh sách cũng bị bỏ qua như Trương Tuyết Mai (tác giả Huế - Tình yêu của tôi), Văn Thành Nho (Đất nước lời ru), Phan Long (Mẹ), Trần Văn Bính (Hạt gạo làng ta), Triều Dâng (Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ), Hoàng Hà (Đất nước trọn niềm vui). Trong vòng một tuần tới, 11 nhạc sĩ này sẽ làm đơn kiến nghị gửi lên Chánh thanh tra Bộ yêu cầu hủy bỏ danh sách cũ (trong đó có cả tên 5 nhạc sĩ Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Thế Song, Lê Việt Hòa), thành lập Hội đồng mới bỏ phiếu lại cho 68 nhạc sĩ, giải tán Ban chấp hành hiện tại của Hội nhạc sĩ Việt Nam. “Chúng tôi sẽ làm đến cùng nhằm mục đích trả lại danh dự cho Hội nhạc sĩ” - Đoàn Bổng cho biết.
VnExpress.net đã tìm cách liên lạc với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - thành viên Hội đồng xét duyệt, để tìm hiểu về việc bổ sung này nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Giải thưởng Hồ Chí Minh được xét và công bố 5 năm một lần vào dịp Quốc khánh 2/9. |
Huy Phạm