Nguyễn Thước là đạo diễn từng đoạt nhiều giải thưởng với dòng phim tài liệu. Bộ phim "Sự nhọc nhằn của cát" do ông đạo diễn từng giành giải Bông Sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 14. Ảnh: ST. |
Chiều 6/7, nhà biên kịch Phan Thanh Tú đã gửi kiến nghị lên Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch về kết quả xét tặng Giải thưởng Nhà nước đối với cụm công trình của đạo diễn Nguyễn Thước gồm Sự nhọc nhằn của cát, Những công dân @, Chất xám. Trong đơn có sự đồng thuận của người đồng nghiệp Phan Huyền Thư. Hai nữ biên kịch khẳng định, Nguyễn Thước xin xét tặng Giải thưởng Nhà nước cho các bộ phim trên với tư cách tác giả là không đúng, vì tác giả kịch bản và lời bình mới thật sự là tác giả sáng tác của lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trong khi đó, Sự nhọc nhằn của cát có tác giả kịch bản: Phan Thanh Tú, tác giả lời bình: Phan Huyền Thư, Những công dân @ tác giả kịch bản và lời bình: Phan Huyền Thư, Chất xám tác giả kịch bản và lời bình: Phan Huyền Thư, còn Nguyễn Thước chỉ đóng vai trò đạo diễn của ba tác phẩm này. Phan Thanh Tú cho rằng, nếu Nguyễn Thước đem những tác phẩm chung ra xin giải thưởng riêng thì khi chị nộp đơn xin xét danh hiệu sẽ không được tính những phim trên nữa.
Trao đổi với VnExpress.net, đạo diễn - NSƯT Nguyễn Thước cho biết, ông và Phan Thanh Tú, Phan Huyền Thư đều cùng công tác tại Hãng phim Tài liệu Trung ương, nhưng khi có thắc mắc, hai nữ biên kịch đã không trao đổi với ông hay với lãnh đạo hãng để có câu trả lời mà vội vã làm đơn gửi lên Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch. Vị đạo diễn tên tuổi của dòng phim tài liệu cho biết, đúng là từ năm 2000 trở về trước, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật dành cho các tác giả như nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh, sân khấu, các nhà phê bình lý luận… thuộc khối sáng tác văn học nghệ thuật. Nhưng từ năm 2005, theo quy định mới của Bộ, các đạo diễn đã được tham gia vào giải thưởng này. Đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và đạo diễn NSƯT Thanh Vân nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2007. Đạo diễn Thanh Vân từng phát biểu: “Đạo diễn cũng là người sáng tạo nên tác phẩm”.
Nguyễn Thước khẳng định, ông đưa cụm ba tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước với tư cách đạo diễn và nếu Phan Thanh Tú hay Phan Huyền Thư muốn được xét trao Giải thưởng Nhà nước với tư cách biên kịch cùng ba tác phẩm này cũng vẫn được chấp nhận. “Hoàn toàn không có chuyện tranh giành ở đây. Việc các chị ấy nói tôi không phải người sáng tạo với phim là sai vì người ta xem phim, có ai đọc kịch bản đâu. Đặc biệt là phim tài liệu, làm phim là quá trình thay đổi nhiều lần, thậm chí là nhận thức lại kịch bản. Đáng lẽ, khi nhận được giải thưởng dành cho biên kịch (Phan Thanh Tú đoạt giải Bông Sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc gia với Sự nhọc nhằn của cát, còn Phan Huyền Thư đã nhận giải Bông Sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc phim Chất xám), họ cũng nên cảm ơn tôi mới phải” - Nguyễn Thước phân trần.
Nhà biên kịch Hồng Ngát khẳng định, việc bà tham dự đề cử Giải thưởng Nhà nước với tư cách biên kịch sẽ hoàn toàn không ảnh hưởng nếu đạo diễn phim cũng đem tác phẩm đi tham dự. Ảnh: ST. |
Biên kịch Hồng Ngát năm nay có hồ sơ xin xét duyệt Giải thưởng Nhà nước với các tác phẩm Canh bạc và Nhìn ra biển cả. Bà cho biết, trước đây, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh dành riêng cho nhà văn và biên kịch. Thành quả của đạo diễn và các nghệ sĩ biểu diễn được công nhận bằng danh hiệu NSND, NSƯT nhưng mấy năm gần đây hơi lẫn. Đạo diễn có thể tham dự cả hai bên. Người biên kịch là người khởi thủy ra tác phẩm nhưng thường phải chịu thiệt thòi. “Có khi là do các anh chị biên kịch không xem thông tư hướng dẫn, làm tờ trình. Có khi là do hội đồng bỏ quên” - Hồng Ngát nhìn nhận. Đã đọc thông tin về việc Phan Thanh Tú, Phan Huyền Thư phản đối đạo diễn Nguyễn Thước lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng Nhà nước trên báo, Hồng Ngát cho rằng, Nguyễn Thước hoàn toàn đủ tư cách tham dự. Hồng Ngát từng được giải Biên kịch xuất sắc cho Canh bạc và giải nhì Biên kịch cho Nhìn ra biển cả. Tuy nhiên, nếu đạo diễn hai phim kể trên muốn tham gia tranh giải cũng vẫn không có gì mâu thuẫn. Bà cho biết, năm nay chỉ có ba nhà biên kịch gửi đơn đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước. Mọi chuyện hơi bất cập khi kịch bản điện ảnh lại được xét ở Hội nhà văn. Các tác giả kịch bản sân khấu cũng phải gửi hồ sơ sang Hội nhà văn nhưng hiện Hội vẫn chưa nhận được bộ hồ sơ nào.
Cũng theo bà Hồng Ngát, giải thưởng Nhà nước không chỉ được xét ở việc, các tác giả đã có bao nhiêu Cánh Diều Vàng, Bông Sen Vàng mà còn ở quá trình công tác, phấn đấu bởi nhiều người có tác phẩm giá trị nhưng trong chiến tranh không thể đem dự giải. Trên tư cách ủy viên Hội đồng cấp Bộ xét tặng danh hiệu NSƯT, Hồng Ngát cho biết những nghệ sĩ từng nhiều lần bị loại khỏi danh sách các đợt trước như Tố Uyên (vợ đầu của Lưu Quang Vũ, diễn viên chính trong Con chim vành khuyên), Đức Lưu (vai Thị Nở trong Làng Vũ Đại ngày ấy) hay đạo diễn Trần Vịnh là những người nhiều khả năng được danh hiệu NSƯT đợt này.
Về danh sách xét tặng NSND của Hội đồng cấp Bộ, đến sáng nay (11/7) mới có thắc mắc của NSƯT Tuệ Minh (vợ nhà văn Nguyễn Đình Thi) về việc bà không lọt vào danh sách này.
Khi được hỏi về việc giải quyết những thắc mắc khiếu kiện của các nghệ sĩ về Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, một thành viên Hội đồng khen thưởng của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cho biết, Bộ sẽ có họp báo công khai công bố danh sách những người được giải và giải thích những vấn đề liên quan.
Thông tư Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (ra ngày 27/5/2010) - trích
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Thông tư này quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho các đối tượng: 1. Tác giả là người Việt Nam có tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình văn học, nghệ thuật được công bố, sử dụng kể từ ngày thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Tác giả là người nước ngoài có tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình nghiên cứu văn học, nghệ thuật về Việt Nam. Điều 2. Giải thích từ ngữ Các từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau: 1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo trong hoạt động sáng tác, nghiên cứu về văn học, nghệ thuật gồm: tác phẩm văn học, nghệ thuật và tác phẩm nghiên cứu, lý luận phê bình. 2. Công trình văn học, nghệ thuật là sản phẩm của hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình và sưu tầm về văn học, nghệ thuật, có đóng góp quan trọng đối với nhận thức, có ảnh hưởng lớn, tích cực trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. 3. Cụm tác phẩm văn học, nghệ thuật là tập hợp các tác phẩm thuộc một chuyên ngành văn học, nghệ thuật của một tác giả hoặc các đồng tác giả. 4. Cụm công trình văn học, nghệ thuật là tập hợp các công trình thuộc một chuyên ngành văn học, nghệ thuật của một tác giả hoặc các đồng tác giả. 5. Tác giả là người bằng lao động của mình trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, công trình. 6. Đồng tác giả là nhiều người bằng lao động của mình cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, công trình. Những người chỉ giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, vật chất, kinh phí cho tác giả, các đồng tác giả mà không tham gia sáng tạo ra tác phẩm, công trình thì không được coi là tác giả hoặc đồng tác giả tác phẩm, công trình đó. ... Điều 5. Điều kiện xét tặng Tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình của tác giả đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật phải đạt điều kiện sau: 1. Đã được công bố và sử dụng dưới các hình thức xuất bản, xây dựng, triển lãm, biểu diễn, tác phẩm điện ảnh, phát thanh, truyền hình, bài giảng thuộc một trong các chuyên ngành: Văn hóa (...); Âm nhạc (...); Sân khấu (...); Mỹ thuật (...); Nhiếp ảnh (...); Múa (...); Điện ảnh: các bộ phim thuộc loại hình: phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, phim truyện truyền hình và công trình nghiên cứu, lý luận phê bình về điện ảnh; Văn nghệ dân gian (...); Kiến trúc (...). ... |
Huy Phạm