Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) vào ngày 12/3. Theo tờ trình, vấn đề lương nhà giáo đã được xác định rõ trong Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng miền.
"Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương đang nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp để trình Trung ương. Vì vậy, để đảm bảo đồng bộ với các luật khác thì không sửa đổi vấn đề tiền lương của nhà giáo ở Luật này. Lương sẽ do Chính phủ quy định cụ thể", tờ trình của Chính phủ nêu.
Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đối với dự luật cũng cho hay, đến nay Bộ Giáo dục đã nhận được ý kiến của 22 bộ, ngành. Trong đó 7/22 cơ quan đồng ý với dự luật, 15/22 đơn vị có góp ý. Riêng nội dung tăng lương nhà giáo không nhận được ý kiến đồng thuận của 2 bộ có liên quan trực tiếp là Nội vụ và Tài chính.
Bộ Nội vụ cho biết, kết luận số 21 ngày 17/8/2003 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa 9 về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công đã ghi rõ cán bộ, viên chức ở các ngành sự nghiệp áp dụng chung một bảng lương để làm căn cứ cho việc cấp hoặc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước... Các ngành giáo dục, y tế… được thực hiện chế độ ưu đãi phù hợp. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 204 ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và ban hành một số văn bản về chế độ phụ cấp đối với nhà giáo.
Đến nay, nhà giáo được xếp lương theo chức danh nghề nghiệp quy định tại bảng 3, được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề. Đây là sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với nhà giáo...
"Thời gian qua, nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương và phụ cấp làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề", Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo trung ương về nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đang xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 7 khóa 12. Vì vậy, Bộ Nội vụ đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo trong dự án luật.
Bộ Tài chính cũng góp ý, ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã thông qua Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, trong đó có nội dung lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá hệ thống thang bảng lương, phụ cấp đối với từng ngành, lĩnh vực.
"Đề nghị Bộ Giáo dục làm việc với Bộ Nội vụ để trình Chính phủ, trình Quốc hội phương án tổng thể về tiền lương và phụ cấp của nhà giáo để đảm bảo sự tương quan, thống nhất về tiền lương, phụ cấp với các ngành, nghề khác trong giai đoạn tới", Bộ Tài chính nêu ý kiến.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương nhà giáo
Thảo luận tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, giáo viên cần có chính sách tiền lương hợp lý, mang tính chất bền vững. Nếu chỉ tính đầu vào, quan tâm đến tín dụng sinh viên là chưa ổn mà cần chú ý đầu ra. Giáo viên phải được thụ hưởng chính sách tiền lương hợp lý thì mới thu hút người giỏi, đội ngũ nhà giáo mới có chất lượng.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến phân tích, Nghị quyết 29 quy định ưu tiên xếp tiền lương của nhà giáo cao nhất trong bậc thang lương - tức là không phải trong nhóm cao nhất. Do đó, cần sửa đổi quy định để khẳng định “xếp cao nhất” trong khối hành chính sự nghiệp, từ đó có cơ sở thực hiện.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, luật này rất quan trọng nên cần lấy ý kiến, có tham vấn xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của học sinh, tránh thử nghiệm. Đào tạo giáo viên cần tiệm cận chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, phải xem các nước ưu tiên đào tạo sư phạm thế nào? Tại sao sinh viên giỏi ở Việt Nam không tự nguyện vào học sư phạm?
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để xin ý kiến vào tháng 11/2017. Sau khi nghe ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Giáo dục, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 tới.