Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/11 công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục lần hai với nhiều điểm mới. Thay đổi quan trọng nhất so với hiện nay là chế độ tiền lương giáo viên.
Điều 81 dự thảo nêu rõ: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.
Theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức đơn vị sự nghiệp (Nghị định 204 năm 2004), hiện có 12 bậc lương. Cao nhất là lương viên chức loại A3 nhóm 1 (gồm kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên, giáo sư, giảng viên... cao cấp), hệ số từ 6.2 đến 8.0.
Giáo viên trung học cao cấp thuộc loại A2 nhóm 2, hệ số lương từ 4.0 đến 6.38; giáo viên trung học loại A1, hệ số lương từ 2.34 đến 4.98. Giáo viên trung học cơ sở xếp loại A0, hưởng hệ số lương từ 2.1 đến 4.89. Giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non xếp loại B, hưởng hệ số lương từ 1.86 đến 4.06.
Nếu lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp thì có thể tương đương với loại A3, nhóm1, tức bằng với hệ số lương bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên cao cấp...
Miễn học phí đến cấp THCS
Trước đây, học phí chỉ được miễn cho học sinh tiểu học trường công lập. Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 105 để học sinh trung học cơ sở trường công lập cũng không phải đóng học phí.
Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý. HĐND cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh, từ đề nghị của UBND.
Cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Hệ thống giáo dục mở
Theo dự thảo Luật giáo dục, hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Dự thảo bổ sung quan điểm đây là hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người.
Trình độ đào tạo và các cấp học được xác định là giáo dục mầm non (nhà trẻ và mẫu giáo), giáo dục phổ thông (tiểu học, THCS và THPT), giáo dục nghề nghiệp (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác), giáo dục đại học (đại học, thạc sĩ và tiến sĩ). Trong luật hiện hành, trình độ cao đẳng được xếp vào nhóm giáo dục đại học.
Bộ Giáo dục bổ sung điều 26 về giáo dục phổ thông, quy định rõ trình độ đào tạo này được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông.
Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở, học sinh có thể học tiếp lên trung học phổ thông hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp.
Giáo viên tiểu học phải có bằng cao đẳng
Dự thảo quy định trình độ chuẩn đối với giáo viên tiểu học là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Theo Điều 77 Luật giáo dục hiện hành, giáo viên tiểu học chỉ cần có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, tương đương giáo viên mầm non.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật giáo dục được lấy ý kiến đến 16/1/2018, tháng 5/2018 được trình Quốc hội và thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Trao đổi với báo giới bên lề Quốc hội sáng 30/10, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay rất "suy nghĩ" với trường hợp cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) chỉ nhận được lương hưu 1,3 triệu đồng sau 37 năm công tác. Ông cho biết Bộ đang làm việc với các bộ Nội vụ, Tài chính để đưa thang bảng lương vào Luật Giáo dục. Ngành đang thống kê số giáo viên về hưu lương quá thấp, nhất là đối với mầm non. Lương giáo viên = lương cơ sở x hệ số lương + phụ cấp. |