Tự nhiên và Xã hội là môn học bắt buộc, có trong chương trình lớp 1-3. Môn học có vai trò quan trọng giúp học sinh học môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở lớp 4-5. Qua việc học Tự nhiên và Xã hội, học sinh sẽ có nền tảng kiến thức ban đầu để học tập các môn về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ở cấp cao hơn.
Nội dung chương trình môn Tự nhiên và Xã hội bao gồm 6 chủ đề: gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, thực vật và động vật, con người và sức khỏe, trái đất và bầu trời. Mỗi chủ đề sẽ thể hiện mối liên quan, sự tương tác giữa con người với các yếu tố tự nhiên và xã hội, trên cơ sở giáo dục giá trị và kỹ năng sống. Chương trình hướng tới giáo dục học sinh các vấn đề liên quan đến việc giữ gìn sức khoẻ, bảo vệ cuộc sống an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai ở mức độ đơn giản và phù hợp.
Thay đổi lớn nhất của chương trình Tự nhiên và Xã hội mới, so với chương trình hiện hành, là tinh giản một số nội dung khó hoặc sẽ đẩy chúng lên cấp THCS. Nội dung về đơn vị hành chính, hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp... ở tỉnh thành sẽ không còn xuất hiện. Kiến thức trong chủ đề Trái đất và bầu trời cũng được giảm đi.
"Chương trình đồng thời cập nhật, đưa vào một số nội dung mới thiết thực với học sinh như: tìm hiểu về lễ hội, về di tích văn hóa lịch sử và cảnh đẹp ở địa phương; một số thiên tai thường gặp và cách phòng tránh; cách bảo vệ sự an toàn của bản thân, phòng tránh bị xâm hại", tóm tắt dự thảo chương trình môn Tự nhiên và Xã hội nêu.
Dự thảo chương trình môn Tự nhiên và Xã hội sắp được công bố cùng với các môn học khác để lấy kiến rộng rãi dư luận trước khi ban hành. Theo nghị quyết của Quốc hội, chậm nhất từ năm học 2020-2021 chương trình sách giáo khoa mới được áp dụng đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.
Quỳnh Trang