Tháng 1/2018, Ban phát triển các chương trình môn học đã xây dựng xong dự thảo chương trình 19 môn học và hoạt động giáo dục ở các cấp (trừ môn Ngoại ngữ 1 đang được hoàn thiện theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020). Dự thảo đã có sự tiếp thu góp ý của Vụ, Cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, giảng viên trường sư phạm, giáo viên các cấp.
Có nhiều điểm mới ở chương trình các môn học, so với hiện hành.
Chương trình môn Tiếng Việt/ Ngữ Văn: Chỉ còn 6 tác phẩm học bắt buộc
Ngữ văn được dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Ở tiểu học, môn này có tên là Tiếng Việt; ở THCS và THPT là Ngữ văn.
Về nội dung, điểm khác biệt nhất của chương trình môn Ngữ văn so với trước đây là được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy. Các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) được chọn làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học. Đọc bao gồm đọc đúng và đọc hiểu. Trong đó, việc đọc hiểu gồm các yêu cầu hiểu văn bản (cả đọc thẩm mỹ, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá) và hiểu chính mình (người đọc).
Kỹ năng viết không chỉ yêu cầu học sinh biết viết chữ, viết câu, viết đoạn mà còn tạo ra được các kiểu loại văn bản, từ thông dụng đến phức tạp. Căn cứ vào nội dung của đọc và viết, học sinh sẽ được luyện tập cách trình bày, nói và nghe tự tin, có hiệu quả; từ nói đúng đến nói hay.
Từ yêu cầu nêu trên, chương trình đề ra nội dung dạy học, bao gồm kiến thức về tiếng Việt, văn học và ngữ liệu văn bản. Trong đó, kiến thức tiếng Việt với nội dung chủ yếu là: ngữ âm và chữ viết, từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, sự phát triển của ngôn ngữ. Kiến thức văn học gồm những vấn đề chung về văn học, các thể loại văn học, các yếu tố của tác phẩm văn học và một số hiểu biết sơ giản về lịch sử văn học Việt Nam.
Chương trình môn Ngữ văn mới được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể. Cả chương trình chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc gồm: Nam quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.
Phương pháp giáo dục và đánh giá học sinh cũng được thay đổi. Thay vì thiên đọc - chép như trước đây, giáo viên tổ chức lớp học, các hoạt động giáo dục theo hướng khuyến khích học sinh trao đổi và tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác khi đọc, viết, nói và nghe.
"Cần hình thành cho học sinh cách học, tự học, từ phương pháp tiếp cận, phương pháp đọc hiểu đến cách thức tạo lập văn bản và nghe - nói; thực hành, luyện tập và vận dụng nhiều kiểu loại văn bản để sau khi rời nhà trường các em có thể tiếp tục học suốt đời và có khả năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống", tóm tắt dự thảo chương trình môn Ngữ văn nêu.
>>Xem tóm tắt dự thảo chương trình môn Ngữ văn
Chương trình môn Toán: Tinh giản và thiết thực hơn
Toán là môn học bắt buộc, được phân chia theo hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Toán giúp học sinh nắm được hệ thống khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn học giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về Toán học, hiểu được vai trò và ứng dụng của Toán trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến toán học. Thông qua đó, học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này và đủ năng lực tối thiểu để tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.
Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, mỗi năm học sinh có định hướng khoa học tự nhiên và công nghệ được chọn học một số chuyên đề. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về Toán học, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Chương trình môn Toán xây dựng trên phương châm 10 chữ: Tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo và quán triệt tinh thần "toán học cho mọi người". Nội dung chương trình môn Toán được tích hợp xoay quanh ba mạch kiến thức, thống nhất từ lớp 1 đến lớp 12 là: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất và có cấu trúc kết hợp giữa tuyến tính với "đồng tâm xoáy ốc" (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần).
Chương trình môn Toán mới đặc biệt chú trọng tính ứng dụng thực tiễn, nên dành thời lượng 9% (tổng thời lượng chương trình môn Toán 12 năm), cho các Hoạt động trải nghiệm toán học. Đây cũng là lần đầu tiên nội dung này được đưa vào chương trình môn Toán.
Một trong những mục tiêu lớn chương trình môn Toán mới đặt ra là giúp học sinh có kiến thức, kỹ năng toán học phổ thông, cơ bản, thiết yếu; phát triển khả năng giải quyết vấn đề có tính tích hợp liên môn giữa môn Toán và các môn học khác như Vật lý, Hoá học, Sinh học... Việc tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, áp dụng toán học vào thực tế, là mục tiêu quan trọng được đặt ra.
>>Xem tóm tắt dự thảo chương trình môn Toán
Dự thảo chương trình các môn học
Môn Hóa học | Môn Vật lý |
Môn Mỹ học | Môn Sinh học |
Môn Âm nhạc | Hoạt động trải nghiệm |
Môn Tin học | Môn Giáo dục thể chất |
Quỳnh Trang