Trên một diễn đàn về sức khỏe và rối loạn tâm lý với hơn 16.000 thành viên, rất đông du học sinh chia sẻ chuyện gặp khó khăn về tâm lý, bị trầm cảm khi học tập ở xứ người. Những nguyên nhân chủ yếu là khả năng ngoại ngữ kém, khác biệt văn hóa nên không thể hòa nhập với môi trường mới; việc học tập quá nặng nề; áp lực về kinh tế với sinh viên du học tự túc; đặc biệt là sự kỳ vọng của bản thân, gia đình với "mác" du học sinh.
Đây cũng là những lý do được nhà tư vấn tâm lý Ths Linh Nga đúc rút ra sau khi hỗ trợ hàng trăm trường hợp đang du học phải về nước chữa trầm cảm.
Rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa
Linh Mai là du học sinh ở Nga theo diện học bổng nhà nước. Dù đã có một năm học tiếng tại nước sở tại nhưng đến khi học năm nhất đại học, em vẫn không thể nghe, nói tốt. Những tiết học ở giảng đường với đông sinh viên người Nga và giảng viên nói "nhanh như gió" trở thành nỗi ám ảnh với nữ sinh. Mai không hiểu thầy cô nói gì, cũng không thể diễn đạt điều mình suy nghĩ với người khác. Em sợ học, trốn học, không dám giao tiếp với người khác và sống khép kín.
Khi Mai được đưa đến trung tâm hỗ trợ tâm lý, em đã trong tình trạng nhìn thấy chữ tiếng Nga là đơ người, run tay. Em được bác sĩ kết luận, bị trầm cảm nặng.
Tại nước Mỹ, Thanh Xuân du học theo diện tự túc cũng gặp vấn đề tâm lý do không thể hòa nhập với lối sống "thoáng" của sinh viên cùng ký túc xá. "Họ liên tục mang bạn trai về ngủ, tụ tập đông người ăn uống rồi vứt đồ bừa bãi. Khi em nấu ăn, bạn cùng phòng hay ca thán mùi đồ ăn Việt Nam khó chịu. Mâu thuẫn trong phòng theo đó liên tục xảy ra", nữ sinh chia sẻ.
Cô con một trong gia đình có điều kiện quen được yêu chiều, cảm thấy ngột ngạt với môi trường sống mới nhưng không tìm được người đồng cảm với mình. Khu vực em sống có ít người Việt, việc nói chuyện với gia đình, bạn bè ở Việt Nam lại gặp khó khăn vì chênh lệch múi giờ. Nữ sinh 18 tuổi (Hà Nội) dần cô lập bản thân, bỏ học nhiều đến mức nhà trường phải gửi thông báo về cho gia đình.
Xuân sau đó bị bố mẹ trách mắng, cảm thấy "mình là người cô độc nhất thế giới". "Em nghĩ, nếu mình có chết đi cũng chẳng ai thương xót hay ảnh hưởng gì tới họ", nữ sinh chia sẻ với chuyên gia tâm lý khi được bố mẹ đưa về Việt Nam chữa trị bệnh trầm cảm.
Chương trình học nặng nề
Lười thi đại học ở Việt Nam, Duy (18 tuổi) xin gia đình cho du học tự túc tại Australia. Trước khi lên đường em vô cùng hào hứng và đã chọn một ngành học sau này dễ xin việc. Tuy nhiên, đặt chân đến xứ sở kangaroo, nam sinh Hà Nội bị sốc vì chương trình học khó và có nhiều môn quá.
Em bị khủng hoảng, có những đợt thức trắng gần một tháng vì sợ không làm kịp bài. Kết thúc kỳ thi, nam sinh sụt 7kg, người đờ đẫn, không có cảm giác gì khi ăn uống và sợ hãi mỗi lúc nhìn thấy giảng đường.
Chuyện thức đêm liên tục để học cho kịp chương trình cũng phổ biến với nhiều du học sinh ở Mỹ, cả với diện xin được học bổng. Quỳnh Anh (20 tuổi) đã 5 lần tìm đến chuyên gia tâm lý để giải quyết khủng hoảng từ áp lực học hành.
Kỳ học vừa qua, Quỳnh Anh bị mất học bổng vì không đủ điểm theo yêu cầu. Em sợ hãi và xấu hổ với bạn bè khi trước đây là "thần tượng" của nhiều học sinh cùng trường cấp ba, được nhiều đại học ở Mỹ cấp học bổng du học.
Áp lực kinh tế
Bước vào năm học thứ hai của hành trình du học tự túc tại Australia, gia đình Duy xảy ra biến cố lớn. Bố em làm ăn thua lỗ nên không đủ sức chi trả học phí cho con trai. Duy liên tục nhận được lời than thở về việc kinh tế gặp khó khăn và sự thúc giục học cho nhanh để đi làm phụ giúp gia đình.
"Em không muốn nhìn thấy bố mẹ nữa vì có cảm giác mình là cục nợ, khiến gia đình khốn khó", Duy kể lại với chuyên gia tâm lý. Cùng áp lực học tập vất vả và nỗi cô đơn không có bạn bè, nam sinh rơi vào bế tắc. Em bỏ học, chơi game, nợ môn và có nguy cơ bị đuổi khỏi trường.
Vy Anh, du học sinh tại Nga vô cùng chán nản với việc học tập ở xứ sở bạch dương nhưng không thể từ bỏ để về Việt Nam vì gánh nặng của việc phải trả nợ hàng tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Khi tiếp tục chịu đựng, em mắc chứng ảo giác, tự làm đau bản thân và từng bóp cổ tự tử.
Vy Anh bị đưa vào trại tâm thần ở Nga để chữa trị trước khi được bảo lưu kết quả học tập và trở lại Việt Nam.
Kỳ vọng của bản thân, gia đình và định kiến về "mác" du học
Duy, Xuân hay Mai, Vy Anh khi trở lại Việt Nam đều mang theo gánh nặng định kiến của xã hội với cái danh du học. "Mọi người đều cho rằng du học là phải giỏi giang lắm, oai lắm, tương lai rạng ngời. Vì thế, em rất sợ nếu có ai đó biết trường Tây có nguy cơ đuổi học em", Duy kể lại. Em trốn tránh mọi người kể cả họ hàng bằng cách đóng cửa phòng ở một mình, không bước ra khỏi nhà và không nói chuyện với bạn thân.
Một cựu sinh viên đại học Harvard cũng chia sẻ rất áp lực với danh du học, đặc biệt là học ở trường tốp đầu thế giới. Em luôn sợ phải nghe lời ca tụng của họ hàng, hàng xóm mỗi lần về Việt Nam về việc mình giỏi giang, là niềm tự hào của dòng họ. Ở trong ngôi trường Harvard, cựu sinh viên này nhiều lần bị stress vì luôn phải tỏ ra hiểu biết mọi thứ để xứng đáng với cái danh của nhà trường. Mọi khó khăn về tâm lý hay học tập của em đều phải giấu kín với bạn bè.
Năm 2016, một nghiên cứu sinh trường đại học hàng đầu thế giới về công nghệ kỹ thuật, có ý định tự vẫn khi trượt kỳ thi điều kiện. Em cho biết khi đó cảm thấy xấu hổ vì không xứng đáng với bạn bè giỏi giang cùng trường, xấu hổ với những người từng "thần tượng" thành tích học tập của em ở Mỹ và thất vọng với kỳ vọng của bản thân, gia đình.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.