Ngoài việc phải đồng hành, cho con học tiếng Anh bài bản từ nhỏ, bà mẹ Nguyễn Thị Bích Hậu tiếp tục chia sẻ "chiêu" tạo động lực, ham muốn du học cho con.
Rất nhiều bạn đã hỏi làm thế nào để thành công khi cho con thi học bổng, tôi trả lời rằng: "Phải làm sao để các cháu muốn thi, bởi nếu chỉ cha mẹ muốn thì chả giải quyết được gì. Cha mẹ có thể đồng hành với con, nhưng con mới chính là người thi"
Việc chuẩn bị cho du học và học bổng rất công phu và thực sự chẳng dễ tí nào. Một đứa bé thì đã biết thế nào là nên hay không nên du học, nhất là khi các cháu đang chạy đua theo nhu cầu của trường Việt Nam nên việc đầu tiên các bậc cha mẹ phải làm được chính là tạo động lực cho con. Nhưng tạo động lực thế nào?
Khi phải suy nghĩ tới vấn đề này, tôi nhớ dịp đầu tiên bản thân được ra nước ngoài là Hàn Quốc. Sự phát triển thần kỳ của đất nước này đã làm cho tôi bị sốc, tôi thấy buồn và bực bội "Vì sao nước họ làm được biết bao điều tốt mà nước mình bây giờ mới ở đâu đâu?".
Đó là thời điểm mà khá ít người Việt Nam được ra nước ngoài. Nhưng chuyến đi đầu tiên đó khiến tôi thay đổi rất nhiều quan niệm và cả những dự định cho gia đình và cuộc sống. Tôi quyết định cho con đi du lịch khi cháu ở bậc tiểu học.
Điểm đến đầu tiên là Thượng Hải vì nơi này có thân nhân. Đây là một thành phố rất phát triển và hiện đại nên tôi hy vọng cháu có thể học hỏi được nhiều. Để chuyến đi có hiệu quả, gia đình tôi làm một chương trình đặc biệt, cháu sẽ đi nhiều bảo tàng, khu triển lãm, trường học.
Đồng thời cháu sẽ quan sát ở một thành phố với 16 triệu dân, hạ tầng hiện đại thì việc đi lại, làm việc, sinh sống sẽ như thế nào. Cách làm thủ tục nhập cảnh, hải quan ra sao, cách đi xe bus, tàu điện ngầm một mình thế nào, làm sao để sinh sống ở một nơi xa lạ?
Chúng tôi đã dành nhiều thời gian để thăm thú những nơi tuyệt vời như bảo tàng khoa học kỹ thuật Thượng Hải, bảo tàng Hải dương học Thượng Hải, bảo tàng quy hoạch Thượng Hải. Bảo tàng ở đây rất lớn và có quy mô khủng, chẳng hạn muốn đi hết bảo tàng Khoa học kỹ thuật thì phải mất nhiều ngày.
Ở đó có mọi thứ mà trẻ con cũng như người lớn có thể khám phá với hầu hết các môn khoa học và kỹ thuật. Tại đây cháu có thể hiểu được nhiều vấn đề từ đơn giản đến phức tạp của các môn khoa học mà tất cả ở hình thức những trò chơi,
Chẳng hạn, khái niệm trọng lực của vật lý, khả năng thăng bằng của con người, động đất sẽ xảy ra như thế nào trong mô hình giả tưởng, các hang động khai khoáng trong lòng đất. Bảo tàng này có một rạp chiếu phim hình cầu với tất cả màn hình là hình cầu, người xem ngồi ở giữa.
Chuyến đi khiến cho con tôi bị sốc bởi lần đầu tiên cháu hiểu được thế nào là một nơi phát triển. Ở nơi đó trẻ con tận hưởng cái gì, nếu cứ mãi ở nhà thì biết bao giờ cháu mới có thể được học tập, được hiểu biết như thế. Trong khi đây mới chỉ là thành phố ở châu Á, vậy còn châu Âu, còn Mỹ và nhiều quốc gia khác, cái gì đang diễn ra ở đó? Đâu là chân trời mới?
Sau vài chuyến đi nước ngoài tiếp đó, cháu thay đổi rất nhiều, quyết tâm du học. Cháu đã nỗ lực để đạt mọi tiêu chuẩn cần thiết cho việc du học trong tương lai. Từ một học sinh chỉ xếp hạng năm trong lớp, cháu quyết đứng hạng nhất. Từ một người không ham tranh đua, cháu quyết tâm cạnh tranh, không lùi bước.
Sự thay đổi này đã giúp cho cháu giải quyết được một khối lượng công việc rất lớn trong thời gian cần thiết. Và tôi đánh giá rằng động lực này đã tạo ra rất nhiều phép màu cho việc học hành của cháu cũng như giúp giảm sức ép của gia đình tôi trong việc lo cho con đường mai sau của cháu.
Kể chuyện này để thấy rằng việc tạo động lực cho các cháu rất quan trọng. Và thực ra không thể nói đứa trẻ 13-14 tuổi thích du học nếu như cả đời nó chưa bao giờ đặt chân ra nước ngoài, chưa bao giờ hình dung ra nước ngoài và cuộc sống ở nơi đó là cái gì, tại sao nó phải học hành ở đó và bắt đầu một đời sống gian khổ vì xa gia đình, thích nghi với nền văn hóa mới cũng như nỗ lực vươn lên.
Đó cũng là lý do vì sao Tòa đại sứ Mỹ đánh rớt visa rất nhiều du sinh, bởi họ không tin rằng một người mù mờ có thể sống được ở nước Mỹ. Chỉ có khoảng hai phần ba các cháu đi phỏng vấn có thể đậu, cho dù học rất giỏi, gia đình rất giàu. Với Mỹ, giàu hay giỏi chả có ý nghĩa nào nếu họ cảm thấy không an tâm để cấp visa cho một người xứ khác tới nước họ.
Nguyễn Thị Bích Hậu