Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết trong 2 ngày đầu tiên thực hiện chỉ đạo của Thống đốc (15-17/7), đã giảm lãi suất về mức tối đa 15% một năm cho gần 400 khoản vay cũ, với tổng giá trị trên 460 tỷ đồng. VPBank vẫn đang rà soát để giảm tiếp cho những khách hàng đang chịu lãi suất cao, dự tính tổng cộng các khoản vay được giảm sẽ vào khoảng 10.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã vào cuộc thực hiện yêu cầu đưa lãi suất các khoản vay cũ về không quá 15%. Ngay sau khi có chủ trương, các chi nhánh của Techcombank đã chủ động liên lạc mời khách hàng đến xem xét điều chỉnh giảm.
Tuy nhiên, nhà băng này cho biết lãi suất cụ thể sẽ căn cứ trên hệ thống xếp hạng tín nhiệm khách hàng, và tình hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp. Trong đó, các khách hàng doanh nghiệp thân thiết, hoạt động hiệu quả và khả năng hấp thụ vốn tốt sẽ là những đối tượng ưu tiên.
Hơn ai hết, các doanh nghiệp rất phấn khởi với chủ trương của Thống đốc cũng như động thái vào cuộc của các ngân hàng. Nhưng không phải đơn vị nào cũng may mắn được lọt vào danh sách ưu tiên.
Lãnh đạo công ty may đóng tại khu công nghiệp Tân Bình, TP HCM cho biết, đơn vị ông vay 10 tỷ đồng, lãi suất 19% từ đầu năm 2012. Lãi huy động đã giảm xuống còn 9% một năm, cộng với "lệnh" của Thống đốc hạ lãi cũ xuống 15%, nhưng doanh nghiệp ông vẫn chưa nhận được tín hiệu giảm từ ngân hàng.
"Khi chúng tôi đến đề nghị được giảm lãi suất xuống thì nhà băng cho biết đang trong quá trình xem xét và sẽ thông báo lại sau. Vậy thời gian chờ đó sẽ là bao lâu?", ông thắc mắc.
Doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa được ngân hàng giảm lãi suất nợ cũ. Ảnh: PV |
Điều mà bản thân ông và các doanh nghiệp mong muốn nhất lúc này là ngân hàng công bố ngay đối tượng nào được giảm lãi vay cũ, các hợp đồng vay ngắn hạn hay trung hạn phải đáp ứng tiêu chí nào… “Ngân hàng cứ thông tin chung chung là giảm lãi vay cho các hợp đồng cũ nhưng khi chúng tôi đem hồ sơ tới lại đưa ra nhiều điều kiện khắt khe cứ như muốn trì hoãn việc giảm lãi suất vậy”, ông bức xúc.
Đại diện Công ty Mai Linh cũng thông tin, hiện nay ngoại trừ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã điều chỉnh xuống 15% cho một số khoản vay của công ty, còn lại hầu như ngân hàng nào cũng thông báo đang trong quá trình tra soát.
Riêng việc vay mới, vì Mai Linh không còn tài sản thế chấp nên không thể tiếp cận được vốn từ ngân hàng. Với bối cảnh khó khăn như hiện nay, để tiếp tục duy trì hoạt động, công ty buộc phải quay sang vay vốn ở nhiều nguồn khác như từ người thân, bạn bè, các cá nhân...
Không may bị xếp vào lĩnh vực "không khuyến khích", các doanh nghiệp xây lắp, xây dựng vô hình chung cũng bị ngân hàng làm lơ trong việc giải ngân vốn. Chủ một doanh nghiệp xây lắp tại Hà Nội than thở: "Những doanh nghiệp như chúng tôi bị đưa vào nhóm không khuyến khích, bị ảnh hưởng theo bất động sản nên rất khó được ngân hàng cho vay vốn".
Trong thư gửi VnExpress, Giám đốc một công ty xây dựng tại Bình Dương than thở về cách hành xử của ngân hàng như muốn quay lưng khi doanh nghiệp khó khăn. Công ty của ông có hợp đồng vay vốn chi nhánh một ngân hàng lớn để mua thiết bị vật tư thi công dự án trên địa bàn Bình Dương. Tổng giá trị khoản vay là 560 triệu đồng, lãi suất 18% một năm. Đã hoàn thiện công trình từ năm 2011 nhưng do chủ đầu tư chưa thanh toán, công ty không xoay đủ tiền để trả nợ.
"Tiền thi công đang chờ giải ngân đã hơn gấp đôi số tiền tôi vay tại ngân hàng. Ngay cả tài sản thế chấp của tôi cũng gấp 5 lần khoản vay. Tháng trước đến hạn trả tiền, chúng tôi liên hệ ngân hàng tìm cách tháo gỡ khó khăn, nhưng phía ngân hàng luôn từ chối gặp mà cứ phạt tiền chậm trả", vị giám đốc than thở. Ông cho biết thêm, lãi phạt mà ngân hàng áp cho công ty lên đến 24% một năm.
Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu tại quận Tân Phú, TP HCM thì cho hay, hôm 17/7, đơn vị ông vừa được Ngân hàng ACB giải ngân 140 triệu đồng nhưng với lãi suất 16,3% đối với khoản tiền vay 1,7 tỷ đồng của hợp đồng đã ký cách đây vài tháng.
Ông bức xúc vì các chi nhánh của chính nhà băng này đang cho doanh nghiệp vay mới chỉ với lãi suất 15% một năm, còn ông là khách hàng cũ lại phải gồng 16,3%. "Điều kiện vay của tôi là thả nổi lãi suất theo thị trường. Ngân hàng giải ngân tại thời điểm nào thì áp dụng theo lãi suất của thời điểm đó. Vậy tại sao với khoản tiền giải ngân mới này chúng tôi phải gánh lãi cao hơn 1,3% so với mức hiện thời", ông nói.
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu ACB cho biết, cơ chế của nhà băng là chỉ áp dụng lãi suất 15% hoặc thấp hơn cho những khách hàng vay mới. Khách hàng cũ, khi giải ngân phải chịu lãi suất ban đầu có thể cao hơn. Tuy nhiên, sau đó sẽ có bộ phận tra soát lại, nếu khách hàng cũ có đủ điều kiện thì nhà băng sẽ quyết định giảm. Khoảng 60-70% khách hàng có khoản vay cũ tại ACB thuộc diện được giảm lãi suất về dưới 15%.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết một số ngân hàng trên địa bàn đã điều chỉnh các món vay cũ thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên xuống 13% một năm, còn các lĩnh vực khác là dưới 15% một năm. Cá biệt sẽ có một vài ngân hàng miễn 100% lãi suất cho một số đối tượng đặc biệt.
Ông cho biết thêm sẽ tổ chức kiểm tra, nơi nào vi phạm, làm không nghiêm việc giảm lãi suất cho các hợp đồng cũ sẽ bị xử lý.
Thanh Lan - Lệ Chi