Mẫu điện thoại di động dùng màn hình OLED của Liên doanh SK Display được Sanyo trình làng năm 2003. |
Liên doanh SK Display được thành lập từ năm 2001 xuất phát từ một dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ này, được khai trương vào năm 1999. Sanyo giữ 66% cổ phần, phần còn lại thuộc về Kodak. Liên doanh này bắt đầu xuất xưởng loạt màn hình OLED đầu tiên vào năm 2003 nhưng không vươn lên để trở thành một tên tuổi "có máu mặt" trên thị trường.
Trong việc đóng cửa liên doanh này, Sanyo sẽ phải trả cho Kodak một phần vốn và tuyên bố đóng cửa. Tuy nhiên, con số cụ thể không được tiết lộ, một phát ngôn viên của SK Display cho biết.
Màn hình OLED là một công nghệ hiển thị mới nổi. Các điểm ảnh OLED vốn được tạo ra từ các vật liệu hữu cơ có thể tự phát sáng mà không cần sự hỗ trợ của đèn nền. Điều đó có nghĩa: màn hình này tiêu thụ ít điện năng hơn và mỏng hơn màn hình LCD đối thủ. OLED cũng thích hợp để hiển thị các hình chuyển động và tái tạo thế giới sắc màu phong phú sinh động hơn.
Các màn hình OLED được SK Display sản xuất thuộc cỡ nhỏ, được dùng làm màn hình máy điện thoại di động và camera số. Các nhà sản xuất hậu thuẫn phát triển công nghệ này vẫn đang tìm cách để tạo ra các màn OLED có kích thước lớn hơn, và một số công ty bắt đầu ứng dụng làm màn hình TV.
Tuy nhiên, SK Display chỉ giữ một miếng bánh rất nhỏ trong thị trường màn hình OLED toàn cầu, theo công ty nghiên cứu thị trường DisplaySearch.
Trong suốt quý III năm tài chính 2005, doanh số màn hình OLED toàn cầu đạt 16,7 triệu chiếc, tăng 144% so với cùng kỳ năm trước, theo DisplaySearch. Trong khi đó tổng số màn hình OLED loại ma trận linh hoạt (AM) của SK Display, Sony và AU Optronics, chỉ đạt 50.000 chiếc, DisplaySearch cho biết.
Về doanh thu của mặt hàng này, Samsung SDI dẫn đầu thị trường với 37,1 triệu USD trong toàn quý III, theo DisplaySearch. Theo sau là RiTdisplay với 26,8 triệu, Pioneer với 17,9 triệu, Univision Technology với 15 triệu và TDK với 7,6 triệu USD. Thị trường OLED toàn cầu quý vừa qua đạt doanh thu 130,9 triệu USD, theo DisplaySearch.
Việc đóng cửa liên doanh này là một phần trong kế hoạch tái xây dựng lại tập đoàn Sanyo, trong đó hãng sẽ tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt và cắt giảm các mặt hàng không sinh lợi.
Cũng trong tuần này, Sanyo đã công bố doanh thu quý cuối cùng của năm 2005. Lãi ròng của họ đạt 5,2 tỷ USD tính đến ngày 31/12, ngày cuối cùng của quý IV/2004, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2004, nhưng lãi sau thuế chỉ còn 52 triệu USD, tụt dốc "không phanh" so với con số 149 triệu USD của cùng kỳ năm trước.
T.B. (theo PC World)