Chủ tịch hãng Canon ông Fujio Mitarai (trái) và chủ tịch hãng Toshiba ông Tadashi Okamura bắt tay trước mẫu TV SED "trình làng" ở Tokyo vào ngày 14/9. Ảnh: Reuters. |
Canon và Toshiba đang hợp tác phát triển công nghệ hiển thị SED, được cho là giúp đạt được màn hình mỏng hơn và tiêu tốn ít năng lượng hơn TV Plasma và LCD hiện tại.
Việc chế tạo các TV màn hình phát xạ điện tử dẫn bề mặt SED (surface-conduction electron-emitter display) sẽ bắt đầu vào cuối năm tới và mở rộng toàn phần vào năm 2008, ông Kazunori Fukuma, người đứng đầu công ty liên doanh giữa Canon và Toshiba, tiết lộ tại Hội chợ thương mại về hàng điện tử lớn nhất Nhật Bản giữa tháng 9 vừa qua. Tại đây, hãng cũng trình diễn một mẫu TV SED độ nét cao 1080p 55".
*Canon trễ hẹn bán ra TV SED |
*TV SED - nhiều thử thách |
*Tivi SED sẽ có độ phân giải 1080p |
Canon nhắm tới thời điểm nhu cầu mua sắm TV của người dùng tăng vọt để tung ra TV SED vào thời điểm diễn ra Olympic Bắc Kinh năm 2008, loại TV hứa hẹn cho màn hình lớn hơn, hình ảnh trong hơn và cũng mảnh mai hơn. Sự lan rộng của truyền hình số quảng bá cũng là một động cơ kích thích nhu cầu.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng SED đang phải đối phó với sự xuống giá nhanh chóng mặt của hai công nghệ đối thủ là Plasma và LCD. Hai loại hình TV này liên tục được hạ giá do nâng cao sản lượng đầu ra khiến cho chi phí sản xuất ngày càng giảm xuống. Điều này khiến cho cơ hội để TV SED có mặt trên thị trường và gặt hái được thành công ngày càng mờ nhạt.
Đứng trước sức ép giá hạ và nhu cầu TV màn hình lớn ngày càng tăng, Canon và Toshiba trong tháng ba năm nay đã quyết định lùi thời điểm sản xuất đại trà TV SED đến hơn một năm so với tuyên bố trước đây, tức là đến quý IV/2007, nhằm đủ thời gian cắt giảm chi phí chế tạo và có thể đưa ra giá bán cạnh tranh.
Các công ty này đã rót 200 tỷ yên (1,7 tỷ USD) vào việc phát triển dòng TV mỏng công nghệ mới này tại quận Hyogo, nằm ở phía tây Nhật Bản.
Canon, hiện là nhà sản xuất máy ảnh số và máy photocopy lớn nhất thế giới, cho biết màn hình SED sẽ trở thành một mặt hàng chủ đạo của hãng trong kế hoạch kinh doanh trung hạn.
T.B. (theo Reuters)