Năm 2017, làng công nghệ thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng kiến nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt, đặt dấu mốc quan trọng để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
20 năm Internet Việt Nam
Ngày 19/11/1997 trở thành cột mốc lớn trong lịch sử ngành thông tin truyền thông Việt Nam. Sau rất nhiều bàn thảo, Ban điều phối quốc gia mạng Internet trao giấy phép cho các nhà cung cấp dịch vụ. "Internet Việt Nam" ra đời.
Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, cho đến 205.000 người dùng ở thời đầu của Internet quay số, đến nay Việt Nam có trên 50 triệu người sử dụng Internet, nằm trong số ít những thị trường mà lượng người dùng Internet nhiều hơn số người không dùng, chiếm 53% tổng dân số. Việt Nam cũng là một trong những nước triển khai mạng 2G rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, Internet phủ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo.
Nhân lễ kỷ niệm 20 năm Internet, Hiệp hội Internet Việt Nam và các nhà báo CNTT đã bình chọn 10 cá nhân có đóng góp xuất sắc, hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của Internet tại Việt Nam 10 năm qua. Danh sách bao gồm ông Trương Gia Bình - Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn FPT, ông Nguyễn Trung Chính - Tổng giám đốc tập đoàn CMC, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc tập đoàn Viettel, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch VNPT, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch hội Internet Việt Nam, ông Lê Hồng Minh - Tổng giám đốc VNG, ông Nguyễn Tử Quảng - Tổng giám đốc BKAV, ông Lê Nam Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Thang Đức Thắng - Tổng biên tập báo VnExpress và ông Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bưu chính Viễn thông.
Smartphone thương hiệu Việt bùng nổ
Điện thoại thương hiệu Việt từng có giai đoạn rất sôi nổi, nhưng sau vài năm, Q-mobile và HKPhone dần rút khỏi thị trường, chỉ còn Mobiistar - ra đời từ năm 2009 - vẫn kiên trì cuộc đua và xếp ở vị trí thứ tư về thị phần điện thoại tại Việt Nam cuối năm 2016, theo đánh giá của GfK.
Tuy nhiên, năm 2017 đã bất ngờ chứng kiến sự bùng nổ của điện thoại Việt. VNPT và Viettel trình làng một số dòng smartphone giá rẻ và tầm trung, thậm chí có thông tin Viettel sẽ tung ra phiên bản điện thoại "siêu bảo mật" giá nghìn USD. Nhưng hai tên tuổi gây chú ý nhất lại là Bkav và Asanzo. Sau những ồn ào, những phát ngôn hoành tráng với Bphone 2015, Bkav trở lại đầu tháng 8/2017 bằng phiên bản Bphone 2017 cùng phong cách điềm tĩnh hơn. Họ chọn phân khúc dưới 10 triệu đồng và kiểm soát tốt hơn quá trình sản xuất nên đã đạt được một số thành công nhất định, dù còn khiêm tốn so với những thương hiệu khác.
Chỉ sau khi Bphone 2017 xuất hiện một tuần, Asanzo cũng "chào sân" bằng hai mẫu điện thoại giá dưới 5 triệu đồng. Đã có kinh nghiệm sản xuất hàng chục mặt hàng từ TV cho tới nồi cơm điện, mục tiêu đầu tiên của Asanzo khi tham gia thị trường smartphone là tiếp tục đa dạng hóa các dòng sản phẩm của mình với phương châm giá hợp lý cho người dùng Việt. Đến nay, đã có hơn 8.000 điện thoại của công ty được tiêu thụ.
'Đại dịch' WannaCry
WannaCry là một biến thể của mã độc tống tiền (ransomware), còn có tên gọi khác là WannaCrypt0r 2.0 hay WCry. Bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới từ 12/5, chỉ sau một ngày đã có hơn 230.000 máy tính ở 150 nước bị lây nhiễm và Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nhất. Tính đến tháng 6/2017, Việt Nam ghi nhận khoảng 1.900 máy tính nhiễm WannaCry, trong đó có 1.600 máy tính thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và 300 máy tính của cá nhân.
WannaCry làm đình trệ hoạt động của nhiều bệnh viện, hãng sản xuất xe hơi, hệ thống giao thông, ATM... nhưng đến nay, giới bảo mật vẫn chưa thu thập đủ chứng cứ để xác định chính xác ai đứng đằng sau vụ phát tán dù một số chuyên gia cho rằng nó có nguồn gốc từ Triều Tiên.
Như nhiều phần mềm tống tiền khác, WannaCry khai thác lỗ hổng trên hệ điều hành Windows và mã hóa dữ liệu trong máy của người dùng, yêu cầu phải trả tiền chuộc bằng Bitcoin mới cung cấp khóa mã. Các chuyên gia bảo mật nhận định, ransomware chính là một trong những nguyên nhân đẩy giá các loại tiền ảo lên cao trong năm nay.
Mạng Wi-Fi toàn cầu bị đe dọa
Hiện nay, đa số các kết nối Wi-Fi sử dụng WPA2, giao thức mã hóa an toàn nhất thế giới. Thế nhưng, giữa tháng 10, giao thức này đã bị bẻ vỡ thông qua kỹ thuật tấn công Krack theo nghiên cứu của chuyên gia Mathy Vanhoef. Có nghĩa, nếu đang ở trong tầm phủ sóng của mạng Wi-Fi mà người dùng truy cập, hacker có thể sử dụng kỹ thuật tấn công mới để đọc thông tin được truyền đi như mật khẩu, tin nhắn trò chuyện, email, ảnh...
Theo các chuyên gia, Krack là kỹ thuật tấn công đầu tiên trong vòng 15 năm qua bẻ gãy được cơ chế bảo mật WPA/WPA2 vốn được coi là rất vững chãi. Hacker có thể giải mã kết nối Wi-Fi, biết người dùng đang xem trang web nào, đang chat với ai, vừa gõ mật khẩu đăng nhập vào trang nào, thậm chí chèn vào virus, trang đăng nhập giả... để tấn công sâu hơn. Kể từ khi chuẩn bảo mật WEP bị phá vỡ 10 năm trước, thì đây là lần đầu tiên sau cả thập kỷ, Wi-Fi mới lại bị đe dọa an toàn.
Google mua HTC, bước vào cuộc chiến phần cứng với Apple
Với Android, Google đang dẫn đầu trong lĩnh vực phần mềm dành cho thiết bị di động với thị phần trên 70%, nhưng họ vẫn cần một phần cứng đủ mạnh để thực sự thống lĩnh thị trường smartphone. Ngày 20/9, Google chi 1,1 tỷ USD để mua một phần mảng kinh doanh điện thoại thông minh của HTC nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên.
Khác với lần mua Motorola năm 2012 là để sở hữu danh mục bằng sáng chế khổng lồ nhằm bảo vệ hệ sinh thái Android trước các vụ kiện cáo của Apple hay Microsoft, lần này Google quyết tâm trở thành một hãng phần cứng, cạnh tranh sòng phẳng với chính các đối tác sản xuất thiết bị Android, trong đó có Samsung.
Huyền thoại công nghệ Steve Jobs từng nói rằng phần cứng và phần mềm chỉ có thể tạo ra tầm ảnh hưởng mang tính cách mạng nếu được phát triển cùng nhau, nắm quyền kiểm soát chặt chẽ mọi thứ liên quan đến trải nghiệm của người dùng. Do đó, nếu Google tiếp tục chỉ tập trung vào Android, iPhone sẽ luôn thắng. Họ buộc phải tự thiết kế điện thoại mới có thể đấu ngang với Apple.
Xu hướng smartphone viền mỏng
Các nhà sản xuất đang nỗ lực tìm cách tăng không gian hiển thị của điện thoại mà không khiến máy trở nên quá to. Trong khi thiết kế màn hình có thể uốn cong hay gập lại mới chỉ là ý tưởng, thì một giải pháp được đánh giá cao là màn hình với viền siêu mỏng.
Xiaomi là hãng mở màn cho sự phát triển điện thoại màn hình tràn viền khi tung ra Mi Mix cuối năm ngoái, nhưng phải tới khi Samsung trình làng bộ đôi Galaxy S8 và S8+ hồi tháng 3, thiết kế này mới trở thành xu hướng của năm. Hàng loạt sản phẩm với thiết kế tương tự đã trình làng như V30 của LG, Essential Phone của Andy Rubin, cha đẻ Android, Mate 10 của Huawei hay iPhone X của Apple.
Với ưu điểm màn hình chiếm tới gần 90% diện tích mặt trước, smartphone trông đẹp hơn, giảm đáng kể kích thước tổng thể của sản phẩm và khiến điện thoại viền dày trở nên lạc hậu khi đặt cạnh. Trải nghiệm của người dùng, đặc biệt khi xem phim, chơi game, cũng được nâng cấp nhờ màn hình khai thác tối đa diện tích, không bị cảm giác "đóng hộp" trong bốn cạnh viền của điện thoại.
Apple kỷ niệm 10 năm iPhone
Từ một smartphone "vô danh" cùng tính năng hạn chế, sau 10 năm iPhone đã trở thành một biểu tượng của ngành công nghiệp di động, là smartphone ăn khách nhất thế giới với 1,2 tỷ máy được tiêu thụ. Chính thức có mặt ngày 29/6/2007, iPhone thế hệ đầu đã tạo cú huých lớn trên thị trường, được tạp chí Time vinh danh là "Phát minh của năm" và khiến nhiều người phải thay đổi cái nhìn về smartphone.
Chỉ với một dòng điện thoại duy nhất, Apple đã lập kỳ tích khi xô đổ những tượng đài lớn, tưởng chừng rất vững chãi trong làng di động như Nokia, BlackBerry. iPhone cũng đi đầu trong việc thay đổi cách tạo và phân phối phần mềm với kho ứng dụng App Store, thay đổi thói quen chụp ảnh và hình thành nên các nhiếp ảnh gia không chuyên, thay đổi cách con người chia sẻ thông tin nhờ thiết bị Internet "bỏ túi" và góp phần tạo ra thế hệ nhà báo công dân…
Khi iPhone đầu tiên ra mắt, Apple vẫn được coi là công ty máy tính còn hiện giờ, cùng với mẫu điện thoại kỷ niệm 10 năm iPhone X, Apple đang là hãng công nghệ có giá trị lớn nhất trên thị trường và có thị phần điện thoại thông minh thứ hai toàn cầu.
Tin giả hoành hành trên mạng xã hội
Vấn nạn tin thất thiệt đã tồn tại trên Internet từ rất lâu, nhưng trở thành tâm điểm sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc cuối năm 2016. Phân tích cho thấy tin sai sự thật lan truyền mạnh mẽ trên Facebook nhiều hơn so với bài viết chính thống từ các báo lớn và tác động không nhỏ đến tâm lý cử tri. Khi đó, Facebook khẳng định tin giả mạo chỉ chiếm 1% và không thể chi phối kết quả bầu cử.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2017, Facebook thay đổi lời nói sau khi tìm ra bằng chứng cho thấy các tài khoản có xuất xứ từ Nga đã mua hàng nghìn quảng cáo nhằm "khuếch đại" các thông điệp chia rẽ chính trị trong cuộc bầu cử Mỹ. Twitter cũng khẳng định 5% trong tổng số 330 triệu tài khoản của họ là giả mạo.
Không chỉ tin tức bầu cử, mạng xã hội đang từ một nền tảng cho người dùng giao tiếp và chia sẻ đã trở thành nơi đầy rẫy những kẻ chuyên đi bóp méo thông tin, do cơ chế hoạt động của các nền tảng này là những nội dung nào càng được chia sẻ và bình luận nhiều thì càng được ưu tiên hiển thị cao. Mark Zuckerberg đã phải đăng lời xin lỗi trên trang cá nhân vì những tác động tiêu cực mà mạng xã hội đã gây ra trên toàn thế giới: "Bằng cách nào đó, Facebook đang được sử dụng để chia rẽ nhiều hơn là kết nối mọi người. Tôi mong được tha thứ và sẽ cố gắng làm tốt hơn".
YouTube đau đầu với nội dung độc hại
Google đang phải áp dụng công nghệ "máy học" (machine learning) và các công cụ khác để tăng kiểm duyệt nội dung trên YouTube sau khi có nhiều báo cáo cho thấy kênh chia sẻ video này phân phối các đoạn phim không phù hợp tới trẻ em. YouTube Kids, chương trình video dành riêng cho trẻ nhỏ, bị chỉ trích vì đã gợi ý các nội dung rùng rợn, video chứa hình ảnh nhạy cảm…
Một số video hướng tới trẻ em nhưng không phù hợp như phim về Spiderman nhưng có các nhân vật mặc bikini hở hang, Peppa Pig bị tra tấn bởi bác sĩ hay video Công chúa Elsa trong trang phục "thiếu vải". Tại Việt Nam, nội dung người lớn "đội lốt" video trẻ em cũng xuất hiện tràn lan trên YouTube.
Để hạn chế sự bùng phát của các nội dung không phù hợp cho trẻ em, Google tuyên bố những video nhảm nhí sẽ không được bật tính năng kiếm tiền từ quảng cáo. Tuy nhiên, Gizmodo cho rằng dù thế nào vẫn không nên để trẻ em xem YouTube mà không giám sát.
Gần đây, Google thông báo sẽ thuê 10.000 nhân viên chỉ để xóa video tiêu cực trên YouTube.
Công nghệ AI tiến sâu vào đời sống
Không còn là những hình ảnh trong phim viễn tưởng, xu hướng chuyển từ "mobile-first" (ưu tiên di động) sang "AI-first" (ưu tiên trí tuệ nhân tạo) đang hình thành rõ nét trong các sản phẩm gần gũi với đời sống con người.
Riêng trong mảng smartphone, các nhà sản xuất như Apple, Qualcomm, Huawei... đều đã phát triển những bộ vi xử lý tích hợp trí tuệ nhân tạo, thông minh hơn trong việc xử lý lệnh bằng giọng nói, dịch ngôn ngữ theo thời gian thực... Camera trên điện thoại như Google Pixel 2 cũng có khả năng phân tích dữ liệu để cho ra đời ảnh chân dung đẹp nhờ công nghệ AI. Tháng 10/2017, Saudi Arabia trở thành nước đầu tiên trao quyền công dân cho robot mang tên Sophia, nằm trong kế hoạch thúc đẩy đất nước vùng Tây Á trở thành nơi phát triển trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới. Hay với danh nghĩa vì sự an toàn của cộng đồng, chính phủ Trung Quốc đang đầu tư nguồn lực lắp camera ở mọi nơi, mọi ngóc ngách, theo dõi chuyển động của vật thể và con người nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu khổng lồ về AI.
Video: Quartz
Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy có thể vượt tầm kiểm soát của con người. Hồi tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin chia sẻ nỗi lo trí tuệ thông minh nhân tạo sẽ mang đến hiểm họa khó lường và một ngày nào đó sẽ "ăn con người". Trong thư gửi tới Thủ tướng Australia và Canada, hàng trăm nhà nghiên cứu cho rằng các hệ thống AI có thể là "vũ khí hủy diệt hàng loạt", phải bị ngăn chặn trước khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Châu An