Nguồn tin từ Hòa Phát xác nhận thông tin này với VnExpress sáng nay. Theo đó, chiếc trực thăng mà Chủ tịch Trần Đình Long dự kiến nhập thuộc mẫu EC 135P2i. Giá mua ban đầu 3 triệu USD, cộng các loại thuế và chi phí phát sinh, dự kiến vào khoảng 4,9 triệu USD.
Một mẫu trực thăng EC 135P2i sản xuất tháng 12/2009. Phần lớn các mẫu trực thăng EC 135P2i đăng tải trên JetPhoto.net đều sản xuất từ cuối 2009 đến tháng 5 năm nay. |
Trong khoảng 10 ngày tới, chiếc máy bay này sẽ về đến sân bay Đà Nẵng. Tuy nhiên, ngoài việc hoàn tất thủ tục tập khẩu, ông Trần Đình Long còn phải lo thủ tục cất, hạ cánh, tìm kiếm phi công. Vì vậy sẽ phải mất vài tháng trước khi máy bay có thể cất cánh, phục vụ cho công việc của ông Long.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, ông Long cho biết đang làm việc với giới chức hàng không.
Ông Trần Đình Long lần đầu tiên công khai trước đại hội cổ đông Tập đoàn Hòa Phát đầu tháng tư về khoản chi phí ban đầu 17,42 tỷ đồng dành để sắm máy bay riêng. Hợp đồng được ký kết thông qua Tập đoàn Hòa Phát, song toàn bộ số tiền mua bán, thuê phi công, sân bay, bảo dưỡng, sửa chữa do cá nhân ông Long chi trả. 17,42 tỷ đồng là số tiền mà ông Long chuyển để thanh toán qua công ty.
Kể từ khi Tập đoàn Hòa Phát niêm yết cổ phiếu năm 2007, ông Trần Đình Long liên tiếp có tên trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam do VnExpress.net công bố thường niên. Năm 2009, ông đứng thứ tư trong bảng xếp hạng với tài sản gần 3.000 tỷ đồng.
Trước ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức là người đầu tiên ở Việt Nam mua máy bay riêng. Chiếc phi cơ Beechcraft King Air của ông Đức về Việt Nam năm 2008 với giá mua 5,1 triệu USD. Tính cả các chi phí phát ính như đào tạo phi công, bến bãi, môi giới, ông Đức bỏ ra tổng cộng 7 triệu USD.
Cục Hàng không cho biết mới tiếp nhận thông tin từ phía Hòa Phát liên quan đến chiếc máy bay, chứ chưa chính thức tiếp nhận hồ sơ từ tập đoàn này. Theo quy định, chiếc máy bay này nếu muốn mang quốc tịch VN và hoạt động tại bầu trời VN phải đảm bảo các điều kiện gồm: Chưa có quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào hoặc đã xóa quốc tịch nước ngoài; Có giấy tờ hợp pháp chứng minh về sở hữu máy bay; Phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc công nhận. Máy bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam và do tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác phải đăng ký mang quốc tịch Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải là nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch máy bay. Bên cạnh đó, máy bay chỉ được phép khai thác trong vùng trời Việt Nam khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện bay còn hiệu lực do Bộ Giao thông Vận tải cấp hoặc công nhận. Người khai thác máy bay là cá nhân không được phép khai thác máy bay vì mục đích thương mại… Ngoài ra, để máy bay được cất cánh, vị đại gia chứng khoán còn phải hoàn tất rất nhiều thủ tục như giấy chứng nhận tàu bay, an toàn, phân loại tàu bay, thuê phi công… Trước đó, ông chủ Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Đoàn Nguyên Đức cũng tuân thủ đầy đủ các quy định này. Phi công đang lái cho Bầu Đức là nguyên phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Nguyễn Thành Trung. |
Kỳ Duyên - Hồng Anh