Đây là lần đầu tiên Việt Nam cấp phép bay cho máy bay riêng.
Trên chuyến bay có 7 người, gồm 4 người thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, 2 phi công và 1 phục vụ. Lái chính là một phi công người Mỹ, ông John Allan Young, do "bầu" Đức thuê. Cùng tổ lái có phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines.
"Bầu" Đức và ông Nguyễn Thành Trung bên cạnh chiếc máy bay tại sân bay Pleiku. Ảnh: M. Trần. |
Sau khi hoàn tất thủ tục hạ, cất cánh ở Pleiku, đến 16h30 chiếc King Air 350 tiến dần ra đường băng chuẩn bị quay vào TP HCM với sự hiện diện của ông Đoàn Nguyên Đức. Bất chợt cơn mưa to ập đến, chuyến bay phải hoãn gần 30 phút. Sau một giờ, máy bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM).
Trao đổi với VnExpress.net tối 1/10 sau khi trở về từ Pleiku, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, chuyến bay thực hiện thành công, an toàn với 2 giờ bay cả đi lẫn về.
Thủ tục bay đã được hoàn tất từ đầu tuần trước nhưng kế hoạch phải lùi lại do ông Đức bận công tác. Còn một lý do khá tế nhị là ông chưa chọn được ngày đẹp để khởi hành.
“Tôi không phải là người duy tâm nhưng đây là chuyến bay đầu tiên nên vẫn phải mượn thầy mượn thợ coi ngày cho chắc ăn. Vạn sự khởi đầu nan – Có thờ có thiêng, có kiêng có lành mà”, ông Đức chia sẻ.
Từ nay, ông Đức sẽ thường xuyên đi công tác bằng máy bay riêng. Hiện tại, lái máy bay này vẫn là phi công người Mỹ. Nhưng sắp tới, ông Nguyễn Thành Trung sẽ đảm đương vị trí này theo lời mời của ông Đoàn Nguyên Đức.
Tự nhận mình là người chơi ngông, ông bầu Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai không ngại ngần chia sẻ với VnExpress.net rằng, sau máy bay sẽ là một phương tiện đặc biệt khác ông dự kiến “tậu” riêng cho mình.
Từ năm 2001 đến nay, cái tên Ba Đức càng nổi như cồn sau những sự kiện mua chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak và trả lương đến 15.000 USD một tháng vào năm 2002; hợp tác với CLB bóng đá nổi tiếng của Anh Arsernal để mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG vào năm 2007...
Đầu năm 2008, ông còn định mua 20% cổ phần của CLB Arsenal. Hồi tháng 5, bầu Đức tạo nên cơn dư chấn trong giới đại gia VN khi bỏ ra 7,5 triệu đôla để tậu cho mình một chiếc máy bay riêng - Beech King Air 350.
Chiếc Beechcraft King Air 350 được ông mua từ Mỹ, đã hoàn tất các thủ tục đóng thuế và thông quan tại Chi cục Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất cuối tháng 5. "Bầu" Đức đã nộp khoản thuế VAT 5% tương đương với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Giá trị thực của chiếc máy bay được xác nhận là 5,1 triệu USD, nhưng ông Đức đã bỏ ra tổng cộng 7 triệu USD do các khoản phí phát sinh như đào tạo phi công, bến bãi, môi giới.
An Nhơn - Hồng Anh