Ngày xưa, khi sách vở còn chưa có thì “một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy” và thầy giáo là người duy nhất đem tới cho bạn kiến thức. Vai trò của người thầy lúc đó là người khai sáng.
Khi sách vở trở nên phổ biến, người học có thể tự học bằng cách tự đọc sách. Vai trò của người thầy là định hướng, kiểm chứng thông tin, giúp người học tiếp cận tài liệu cần thiết và rút ngắn thời gian hấp thu kiến thức.
Khi internet phổ biến, kiến thức trở nên quá mênh mông, thông tin quá phong phú, máy móc ngày càng thông mình và thậm chí có thể dạy lại con người. Việc dạy và học trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trở nên rất khác xa so với những thể hệ trước.
Người thầy giáo không còn là người nắm giữ chìa khóa của tri thức. Ai cũng có quyền tiếp cận tri thức bất tận qua internet. Người thầy giáo cũng không phải là người kiểm chứng tri thức. Thầy giáo cũng là người trần mắt thịt, không thể kiểm chứng toàn bộ tri thức của nhân loại, nhưng thầy giáo có thể giúp học sinh học thành thạo những phương pháp giúp kiểm chứng tri thức trên internet.
Người thầy giáo phải là người định hướng nhân cách cho học sinh. Không máy móc hay trí tuệ nhân tạo nào có thể dạy nhân cách cho con người. Con người có cảm xúc là thứ không máy móc nào có thể so sánh được.
Những nhân cách như: Cách đối xử với những người xung quanh; cách điểu khiển cảm xúc và hành động, những đạo đức và lối sống phù hợp với mỗi thời đại. Hiển nhiên, gia đình cũng phải là nơi rèn giũa nhân cách cho học sinh. Nhưng thầy giáo đóng vai trò là phần trách nhiệm của xã hội trong việc hình thành nhân cách cho công dân của mỗi quốc gia.
Là phụ huynh, ai cũng muốn con em mình phải được học những thầy giáo tốt nhất. Cũng giống như khi đi khám ai cũng muốn gặp bác sĩ giỏi nhất. Tuy nhiên, thầy giáo hay bác sĩ thì cũng là con người, có lúc này lúc khác. Chúng ta không nên tượng đài hóa bất cứ ngành nghề nào, con người nào. Thay vào đó, việc nên làm là trả công xứng đáng với đóng góp của mỗi cá nhân, mỗi ngành nghề.
Tại thời điểm này, những nghề như môi giới, kinh doanh ngày càng tạo ra ít giá trị cho xã hội nhưng lại được trả công quá hậu hĩnh. Thực tế đã cho thấy, khi CMCN 4.0 tới dần, sự công bằng cho xã hội đang dần được lập lại. Trong tương lai thầy giáo, bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học... những người tạo giá trị thực cho xã hội, chắc chắn sẽ được trả công xứng đáng.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.