Mỗi lần nghe bài hát "Người thầy" của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy lòng tôi lại xao xuyến: "… Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi tóc xanh bây giờ đã phai, thầy vẫn đứng bên sân trường năm ấy dõi theo bước em trong cuộc đời. Dẫu đếm hết sao trời đêm nay, dẫu đếm hết lá mùa thu rơi, nhưng ngàn năm làm sao em đếm hết công ơn người thầy …".
Tôi đang theo dòng suy tưởng về những vui buồn của nghề dạy học nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thì điện thoại đổ chuông. Từ đầu dây bên kia vang lên giọng nói lạ mà quen: "Thầy dạo này có khỏe không ạ?". Đó là Huy, một học sinh do tôi chủ nhiệm ngay khi vừa mới ra trường.
Năm 2009, tôi ra trường và được phân công về dạy ở trường THCS Nguyễn Huệ - TP Đà Nẵng. Tôi chủ nhiệm lớp 8/8, qua các giáo viên đi trước tôi biết đó là lớp có thành tích học tập và rèn luyện rất bết bát. Nhiều học sinh ý thức học tập chưa tốt gây không ít khó khăn cho công tác dạy học.
Tôi tự nhận thấy mình không nên quản lý chung chung mà cần phải tìm ra nguyên nhân để đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề. Trước hết, tôi cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình cũng như tâm tư nguyện vọng của các em học sinh trong lớp. Trong đó tôi lưu tâm nhất là Huy – một học sinh có thể coi là cá biệt của trường.
Bố mẹ em sống ly thân đã lâu, mẹ đi làm cả ngày không có ai chăm sóc, quản lý việc học cũng như sinh hoạt của em. Từ lớp 6, em đã có biểu hiện là một học sinh hay phá bĩnh, bất cần, hay gây gổ đánh nhau. Việc gì em thích thì làm không thích thì dù có ép buộc đến mấy em cũng không làm, và chính em đã lôi kéo các bạn trong lớp vào những cuộc chơi của mình.
Một hôm, sau khi tan học tôi đã chủ động gọi em đến nói chuyện cởi mở, chân tình và tôi đã hiểu vì sao em lại có những hành động như vậy? Em nói rằng chính bố em đã làm cho em mất hết động lực trong cuộc sống và học tập.
Bố em là người nghiện rượu và mỗi lần say lại về gây gổ với mẹ con em. Chính đó là nguyên nhân để bố mẹ em phải sống ly thân. Em cảm thấy quá chán nản và mất hết niềm tin vào cuộc sống. Sau đó là những chuỗi ngày lang thang, tụ tập với lũ bạn xấu, hết chơi games thâu đêm suốt sáng đến đi chơi không biết giờ giấc, không còn đoái hoài đến việc học.
Qua những câu chuyện với em, tôi nhận thấy trong khóe mắt em những giọt nước mắt đang chực để trào ra mỗi khi nhắc đến gia đình. Tôi hiểu rằng bản chất em không phải là người xấu, tính nết em không phải như vậy mà là do hoàn cảnh gia đình đã tác động đến suy nghĩ, hành động của em.
Tôi quyết tâm phải từng bước giúp em thoát ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực như vậy để cố gắng trong học tập và rèn luyện. Tôi cố gắng vận dụng những gì học được trên ghế nhà trường cùng với việc tìm hiểu thông tin về em qua các giáo viên và các em học sinh trong lớp để tìm ra phương pháp giáo dục em. Nhưng những cố gắng của tôi chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt thì em lại gây ra tội, tưởng như không thể tha thứ.
Ngày nhà giáo Việt Nam năm 2009, tôi không lên lớp sinh hoạt 15 phút vì có việc đột xuất nên để cho các em tự quản. Hôm đó, Huy đã sang lớp học khác đánh nhau khiến một học sinh cùng khối bị thương và phải qua bệnh viện để băng bó.
Nghe tin, tôi vội chạy lên trường với tâm trạng vô cùng lo lắng kèm theo những bực tức. Tôi đã suy nghĩ rằng phải chăng Huy là "con ngựa bất kham", là học sinh hư không thể giáo dục được? Hay những cố gắng của mình là chưa đủ?
Ngay sau đó một hội đồng kỷ luật đã được lập ra. Án kỷ luật nghỉ học có thời hạn sẽ dành cho em, án phạt hạ một bậc thi đua trong học kì I sẽ dành cho tập thể lớp. Mẹ em với những giọt nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen của người phụ nữ bất hạnh – những giọt nước mắt bất lực của người mẹ không thể giáo dục đứa con của mình.
Lúc đó tôi nghĩ rằng trong thời gian Huy nghỉ học em sẽ làm gì? Ai sẽ quản lý em? Và những ngày đó có thể đẩy em vào hố sâu của những tội lỗi, với lối sống buông thả thì những tệ nạn xã hội đang chực chờ để giết chết tâm hồn em.
Mặc dù rất giận em nhưng tôi đã quyết định xin hội đồng kỷ luật cho tôi được bảo lãnh em, tôi hứa sẽ giúp đỡ em tiến bộ nếu như em vẫn được lên lớp học bình thường. Tất nhiên em vẫn phải chịu kỷ luật của nhà trường nhưng với mức độ nhẹ hơn.
Tôi đã gặp riêng em và nói rằng: Cuộc sống không có ai là hoàn hảo cả, hãy coi thầy như một người bạn, có khó khăn gì trong cuộc sống, cần tâm sự chuyện gì hãy nói với thầy. Dường như em đã phần nào hiểu được sự chân tình của tôi, em hứa với tôi rằng sẽ cố gắng chăm học để đạt kết quả tốt, để làm vui lòng thầy.
Không lâu sau đó, bố em mất vì bệnh nặng. Tôi cùng ban đại diện phụ huynh của lớp đã đến thăm hỏi động viên em và gia đình. Kể từ đấy, tôi cùng em đặt ra chỉ tiêu cuối năm học là em phải đạt hạnh kiểm tốt, học lực từ trung bình trở lên. Tôi nhận thấy trong ánh mắt em một niềm tin đã trở lại…
Ngày nào tôi cũng kiểm tra bài vở của em. Tôi xếp vị trí Huy ngồi gần với những em học sinh khá giỏi để các em giúp đỡ trong việc học. Tôi trao đổi với các giáo viên bộ môn để cùng phối hợp giúp đỡ em. Tôi giao cho em những nhiệm vụ quan trọng trong việc quản lý lớp, thực hiện các phong trào do liên đội và nhà trường phát động.
Bên cạnh đó tôi cũng dành thời gian hỏi han em về gia đình, về những buồn vui trong cuộc sống của em. Mọi cố gắng của thầy và trò dường như cũng được đền đáp, những lần vi phạm nội quy của em ít dần, em đã thay đổi hơn cả sự mong đợi của tôi.
Cuối năm học, Huy đã thực sự "lột xác" trở thành một học sinh chăm ngoan, đối lập với những gì em đã gây ra trong những năm học và học kỳ trước đó. Từ một học sinh yếu về hạnh kiểm, yếu về học lực em được xếp loại hạnh kiểm tốt, học lực khá, đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Nhưng dường như với em như thế là chưa đủ, sang năm học lớp 9 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cùng với giải 3 trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Em đã đậu vào trường THPT công lập trong kỳ thi lên lớp 10 với số điểm cao. Hiện nay, em là một sinh viên ngành du lịch đầy năng động và nhiệt huyết. Một chân trời mới đang thực sự mở ra trước mắt em…
Cũng nhờ Huy, tôi đã hiểu được rằng, trước khi dạy học sinh kiến thức thì hãy dạy cho các em cách làm người. Người thầy không chỉ là nhà giáo mà còn là nhà tâm lý học, gần gũi để hiểu được những suy nghĩ của các em, từ đó có phương pháo giáo dục thích hợp và hiệu quả.
Chính điều này đã giúp tôi thêm yêu nghề mà mình đã chọn, yêu công tác chủ nhiệm mình được giao phó và gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người. Trong tâm trí của một người thầy, tôi luôn nhớ lời Bác Hồ dạy: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên".
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.