Tôi vừa sang Hong Kong, đâu đâu cũng thấy người đông như kiến cỏ. Thời tiết oi nóng như Sài Gòn, Hà Nội, người chen chúc muốn ngạt thở, nhưng kỳ diệu thay, giao thông rất ổn. Không kẹt xe, ôtô buýt đi trong phố với tốc độ 60 km/h. Vì sao? Vì Hong Kong không xe máy, còn xe buýt và tàu điện có bất cứ nơi đâu, chỉ cần chờ 2-3 phút.
Xe máy là một phương tiện nguy hiểm, kém văn minh và khiến kinh tế xã hội trì trệ, nhưng tại sao chúng ta mãi không dứt bỏ được? Trong khi đó, Phó chủ tịch quận 1 (TP HCM) Đoàn Ngọc Hải đang đơn độc với cuộc chiến giành lại vỉa hè và không mấy hiệu quả, lại gây rất nhiều tranh cãi.
Thử nhìn các nguyên nhân vỉa hè bị lấn chiếm:
1. Những hộ kinh doanh bán hàng tại nhà mặt tiền lấn chiếm vỉa hè để phục vụ ai? Những người đi xe máy. Họ bày hàng hóa ra mặt tiền để những người đi xe máy dễ nhìn thấy, dễ tấp vào, dễ dựng xe máy lấn chiếm vỉa hè.
2. Những người bán hàng rong chiếm dụng vỉa hè để phục vụ ai? Những người đi xe máy. Xe máy dễ tấp vào ăn bún ốc, uống trà chanh.
3. Những chợ lớn, chợ nhỏ, chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, tràn xuống lòng đường để phục vụ ai? Những người đi xe máy. Mặc cho trong chợ các nhà lồng trống hoác.
4. Thậm chí, những ôtô đậu chiếm vỉa hè lòng đường cũng chỉ bởi vì họ mang tư duy của người đi xe máy.
Ông Đoàn Ngọc Hải xử lý nhiều quán nhậu, ôtô đậu trên vỉa hè
Xe máy trói buộc, ám ảnh xã hội chúng ta hàng chục năm qua, khiến Hà Nội và Sài Gòn thiệt hại về kinh tế xã hội khôn lường. Nhiều người phản đối dữ dội chuyện cấm xe máy ở Sài Gòn, Hà Nội, đòi có những giải pháp đồng bộ và kết quả là mấy chục năm qua chúng ta cứ loay hoay mãi chưa có lối thoát.
(Xem thêm: Ông Đoàn Ngọc Hải không đủ sức dẹp lấn chiếm vỉa hè)
Không có giải pháp nào là hoàn hảo, vậy tại sao chúng ta không chọn một giải pháp căn cơ nhất làm bước đột phá quyết định? Tôi tin rằng một số nhóm cộng đồng, một số nhóm lợi ích sẽ bị thiệt hại khi cấm xe máy, nhưng bù lại, cả xã hội hưởng lợi, vì nó mang lại nhiều kết quả đồng bộ:
Thứ nhất, giảm thiểu nạn kẹt xe. Xe máy giống như nêm cối, chèn vào bất cứ khoảng trống nào trên đường khiến cả đoàn người xe "tắc thở", chôn chân trong đám kẹt hàng tiếng đồng hồ.
Thứ hai, hầu hết dân đô thị sẽ chuyển sang đi xe buýt. Đó là động lực phát triển xe buýt - phương tiện cơ động, rẻ nhất trong giao thông đô thị.
Thứ ba, khi dân đô thị chuyển sang đi xe buýt, đương nhiên tất cả các hình thức kinh doanh chiếm dụng vỉa hè, lòng đường sẽ nhanh chóng lụi tàn. Mọi hoạt động dịch vụ sẽ xoay quanh các trạm xe buýt, giúp chính quyền quản lý quy hoạch những trung tâm thương mại, quy tụ tất cả mọi dịch vụ, từ quán phở, gánh hàng rong vào đây, hoặc chúng chỉ nằm ở những con đường, hẻm nhỏ - nơi đã thông thoáng vì không còn bị xe máy chiếm dụng nữa.
Thứ tư, vì kinh doanh mặt tiền lụi tàn do không còn xe máy nên các loại nhà nhỏ mặt tiền sẽ trở về với giá trị thực, việc đền bù giải tỏa mở rộng đường, vỉa hè sẽ dễ dàng hơn, giúp thành phố quy hoạch lại đường sá thật quy củ. Chỉ còn những cửa hiệu lớn, những trung tâm thương mại chiếm giữ mặt tiền với giá đất, giá thuê cao, khiến thành phố khang trang.
(Xem thêm: Điều chuyển cán bộ phường có giúp ông Đoàn Ngọc Hải dẹp được vỉa hè?)
Cấm xe máy sẽ khiến rất nhiều người nghèo bị ảnh hưởng, nhưng đây là lúc nhà nước dùng công cụ quản lý của mình để mang lại công bằng nhất có thể cho mọi tầng lớp xã hội. Hãy thu phí ôtô vào nội thị, phí đậu xe thật cao, để đầu tư cho xe buýt và trạm xe buýt.
Những người nghèo đã bán xe máy sẽ được đi xe buýt miễn phí 6 tháng hay một năm chẳng hạn.
Tin tôi đi, khi xe máy không còn xuất hiện trên đường và ôtô cá nhân bị hạn chế tối đa, xã hội sẽ bắt buộc phải chuyển mình, người dân sẽ phải tự cơ cấu, thay đổi để có chỗ đứng trong xã hội mới.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Đây không phải là giải pháp của tôi, mà chỉ là bài học từ kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới. Đó là văn minh giao thông đã hình thành ở các nước phát triển, vậy tại sao chúng ta không theo? Nếu không có một giải pháp căn cơ đột phá, thì việc ông Đoàn Ngọc Hải đi dẹp vỉa hè cũng sẽ như là hiệp sĩ Don Quixote chiến đấu bất lực với cối xay gió.
Nhưng, những người có quyền lực, có trách nhiệm có làm hay không thì lại là câu hỏi tôi không thể trả lời.
>> Xem thêm: 'Phạt nặng cán bộ phường thì vỉa hè sẽ không bị lấn chiếm nữa'