Mới đây, Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn được mệnh danh là người làm sống dậy ký ức tuổi thơ - đã chia sẻ rất thật về tuổi thơ và mùa hè của tụi trẻ ngày nay, nhất là những đứa trẻ sống ở thành phố. Câu hỏi mà nhà văn đặt ra đơn giản nhưng đầy trăn trở, gây ấn tượng cho tôi: Chỗ của mùa hè giờ ở đâu?
Tôi là một trong những fan lâu năm của Nguyễn Nhật Ánh. Chỉ cần lật lại bất kỳ cuốn sách nào của ông, chúng ta cũng có thể bắt gặp một mùa hè tự nhiên với những ngày rong chơi thỏa thích và vô số trò ngây ngô, nghịch ngợm.
Tôi ấn tượng với lời chia sẻ của nhà văn tuổi thơ: “Mấy hôm nay, trời tháng tư nóng bức chẳng thiết đi đâu, tôi rảnh rỗi ngồi lật lại những trang sách cũ, chợt nhận ra mình viết khá nhiều về mùa hè. Ngay trong những bài tản văn, tôi cũng từng nhắc về mùa hè với sự trìu mến không giấu giếm".
Tôi nhớ mãi đoạn trích trong Tuổi thơ tôi có thằng Lợi sứt: "Tuổi thơ tôi lem luốc ngoài đồng, mùa hè nào cũng đội nắng lui cui khắp bờ bụi để bắt dế, tìm tổ chim, đào khoai, nhổ đậu, bẻ mía trộm hoặc chui vô vườn nhà hàng xóm để hái ổi, hái mận rồi ù té chạy khi chủ nhà suỵt chó xồ ra sủa ầm ĩ".
Mùa hè trong sách của Nguyễn Nhật Ánh cứ trong veo, nhẹ nhàng và tinh khiết như “nước giếng trong, bập bềnh bông khế và lấp lánh những giọt nắng rụng xuyên qua kẽ lá” (trích Thiên thần nhỏ của tôi).
Đó là những ngày hè hoa mộng. Và những gì thú vị nhất hiển nhiên sẽ xảy ra vào mùa hè. Tụi trẻ con túm năm tụm ba chơi đủ trò, trong tác phẩm Mắt biếc có đoạn nhà văn kể tỉ mỉ thế này:
“Trước nhà Hà Lan, có một giàn thiên lý lấm tấm hoa vàng. Đã không biết bao nhiêu lần, tôi và Hà Lan ngồi dưới bóng mát của giàn thiên lý thơ mộng này chơi những trò chơi tuổi nhỏ. Với bọn con trai, tôi chơi đánh đáo, đánh bi, đá bóng và những trò rượt bắt. Còn với Hà Lan, tôi phải chơi đánh chuyền, ô quan, nhảy lò cò và những trò con gái khác” (trích Mắt biếc).
Mùa hè của tuổi thơ chỉ đơn giản diễn ra trên mảnh sân nhỏ, ở khu vườn sau nhà hay quẩn quanh trên đường làng ngõ xóm mà sao rực rỡ đủ gam màu và tràn đầy niềm vui bất tận. Cảm giác như màu vàng của những hạt nắng ngày hè trên cao nhảy nhót trên vai, trên tóc, tràn ra từng trang sách và được tụi trẻ đón nhận một cách hân hoan. Vì trong ký ức của nhà văn và rất nhiều người, đã là học trò thì không thể không gắn với những ngày hè rong chơi thỏa thích.
Chỉ vài dòng trích dẫn ngắn ngủi như trên, tôi chắn hẳn "những người từng là trẻ con" bỗng như thấy cả một bầu trời ký ức ùa về. Hè xưa là vậy, còn hè nay thì sao? Liệu các em khi nghe đến hai tiếng "mùa hè" có còn thấy thân thương, có còn sự hào hứng hay thay vào đó là sự buồn chán, thậm chí sợ hãi.
Tôi đồng ý rằng, mùa hè này, nếu không có điều kiện đưa con em đi chơi xa, các bậc phụ huynh thành thị vẫn có thể đưa trẻ đến những sân chơi thích hợp - nơi đó có cầu lông, bơi lội hay các trò chơi với bóng...
Chỉ cần suy nghĩ thấu đáo điều này: Nếu gieo mùa hè và những kỷ niệm tuổi thơ trên cánh đồng công nghệ, những đứa trẻ sau này sẽ gặt được điều gì?
Chúng ta có nên tạm rời màn hình, trải nghiệm cuộc sống để tìm cho mùa hè thật một chỗ đứng trong cuộc đời?
Trích đoạn chia sẻ gây suy ngẫm Chỗ của mùa hè của Nguyễn Nhật Ánh đăng trên báo Thanh Niên: 1. Mấy hôm nay, trời tháng tư nóng bức chẳng thiết đi đâu, tôi rảnh rỗi ngồi lật lại những trang sách cũ, chợt nhận ra mình viết khá nhiều về mùa hè. Ngay trong những bài tản văn, tôi cũng từng nhắc về mùa hè với sự trìu mến không giấu giếm: "Tuổi thơ tôi lem luốc ngoài đồng, mùa hè nào cũng đội nắng lui cui khắp bờ bụi để bắt dế, tìm tổ chim, đào khoai, nhổ đậu, bẻ mía trộm hoặc chui vô vườn nhà hàng xóm để hái ổi, hái mận rồi ù té chạy khi chủ nhà suỵt chó xồ ra sủa ầm ĩ" (Tuổi thơ tôi có thằng Lợi sứt). Những mùa hè tuổi thơ ngây ngô và nghịch ngợm đó đã đi vào các tác phẩm của tôi một cách tự nhiên. Vì trong ký ức của tôi, đã là học trò thì không thể không gắn với những ngày hè rong chơi thỏa thích. Những mùa hè hoa mộng đó thậm chí đã trở thành nhan đề hai cuốn sách tôi từng xuất bản: Hạ đỏ và Bảy bước tới mùa hè. Bộ truyện 54 tập Kính vạn hoa của tôi viết về đề tài học đường nhưng trong đó có không ít tập bộ ba Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh rủ nhau tung tăng ở thôn quê, đi chơi ở Vũng Tàu, Đà Lạt và tham gia những chuyến phiêu lưu trẻ thơ như trong các tập Thám tử nghiệp dư, Bắt đền hoa sứ, Con mả con ma, Lang thang trong rừng, Mùa hè bận rộn... Những cuộc rong chơi điền dã thú vị đó hiển nhiên chỉ có thể xảy ra trong mùa hè. Đó là mùa hè mà nhà thơ Xuân Tâm không tiếc lời ca ngợi: "Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!". 2. Mùa hè của trẻ em, đặc biệt là trẻ em thành phố bây giờ, dường như không được như vậy. Chỉ một số ít gia đình, các bậc làm cha làm mẹ thu xếp được thì giờ đưa con đi du lịch hoặc về quê nội, quê ngoại ở vùng nông thôn để tận hưởng "mùa xuân trong mùa hạ", còn nhiều phụ huynh khác do nội ngoại hai bên đều ở thành phố hoặc do bận bịu sinh kế nên đành "gửi" con ở các trung tâm dạy hè hoặc đơn giản hơn để con trong nhà làm bạn với chiếc smart phone hay cái computer. Cách đây không lâu, tôi có nghe chuyện một em học sinh tiểu học ngồi ngớ người ra khi đề bài tập làm văn bắt tả con bò, vì từ bé đến lớn em chưa một lần "nhảy nhót ở đồng quê" nên... chưa thấy con bò bao giờ. Tôi không rõ thông tin này thực hư thế nào nhưng nếu quả có chuyện này thì cũng không có gì quá ngạc nhiên. Chơi game, lướt web, lướt phây, xem phim nghe nhạc qua các tiện ích mạng như youtube không phải là không tốt. Thời đại công nghệ bùng nổ, trẻ em hiện nay không thể đứng ngoài dòng chảy của văn minh. Game online (bây giờ đã có thể dễ dàng chơi trên điện thoại với công nghệ mobile game chứ không chỉ web game như trước) có sức hấp dẫn của nó, và nếu nội dung của trò chơi lành mạnh thì vẫn đáp ứng được nhu cầu giải trí của trẻ em. Chỉ đáng lo ở chỗ: nếu suốt ngày cắm mắt vào màn hình computer hay smartphone, điều đó chắc chắn không có lợi cho thể chất lẫn tinh thần của trẻ em. Các em ngồi một chỗ nhiều quá, con mắt sẽ mệt mỏi, sức khỏe và thần kinh cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, nếu lúc nào cũng đắm chìm trong "thế giới ảo" mà không biết cách thoát ra, có nguy cơ các em sẽ dần xa lạ với những kỹ năng sinh hoạt, giao tiếp cũng như cảm xúc của thế giới thật. 3. Hồi bé, tôi và bạn bè chủ yếu chơi các trò chơi vận động, các trò chơi ngoài trời như chơi u, đá bóng, cướp cờ, bịt mắt bắt dê... Trong qua trình dịch tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của tôi sang tiếng Nhật, dịch giả Kato Sake thường xuyên viết thư hỏi tôi về các trò chơi dân dã tôi nhắc tới trong truyện: chơi ô ăn quan, đánh trận giả, rồng rắn lên mây, thả đỉa ba ba. Tôi phải giải thích cặn kẽ cho bà, thậm chí gửi kèm hình ảnh và tranh vẽ các trò chơi này để bà dễ hình dung khi dịch. Bà Kato Sakae là người nước ngoài, bà không biết về các trò chơi dân gian của Việt Nam là điều dễ hiểu. Nhưng tôi e rằng trẻ em Việt Nam sống ở các thành phố lớn chắc đa phần cũng không biết rõ về các trò chơi này. Tôi không phải là người cực đoan để đòi hỏi trẻ em thời nay phải chơi trò chơi của trẻ em thời xưa hoặc trẻ em thành phố phải chơi trò chơi của trẻ em thôn quê. Cái lõi của vấn đề nằm ở chỗ: nếu xét về khía cạnh lợi ích, chúng ta có thể thấy những trò chơi vận động ngoài trời luôn luôn tốt cho sức khỏe của con người nói chung và trẻ em nói riêng. Vì những lẽ đó mà mùa hè này, nếu không có điều kiện đưa con em đi chơi xa, các bậc phụ huynh thành thị vẫn có thể đưa con em đến những sân chơi thích hợp mà không cần phải đổi nhiều chuyến tàu: cầu lông, bơi lội hay các trò chơi với bóng... vẫn đang vẫy gọi các em đó thôi! |
Hùng