Các đợt chào sàn nhen nhóm trở lại từ cuối quý I, nhưng đến tháng 6-7 mới thực sự diễn ra sôi động, được mở màn bằng hoạt động của bộ ba tài chính Bảo Việt, Vietcombank và Vietinbank.
Trong số gần 100 doanh nghiệp niêm yết mới trên 2 sàn trong năm nay, riêng 5 doanh nghiệp lớn nhất đã có tổng vốn hóa lên tới gần 150.000 tỷ đồng, và cả 5 lọt vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường.
Dưới đây là những đợt chào sàn đáng chú ý trong năm
Vietcombank
Chủ tịch Vietcombank đánh cồng trong phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VCB. Ảnh: SGT |
Sau nhiều chờ đợi, cổ phiếu Vietcombank cuối cùng đã lên sàn vào giữa năm nay, sau một năm rưỡi thực hiện IPO. Ngân hàng cổ phần hóa đầu tiên của Việt Nam đưa lên giao dịch 112,3 triệu cổ phiếu, và lập tức trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường, với trên 56.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần quán quân trước đó là ACB với 28.000 tỷ đồng.
Đợt chào sàn của VCB thu hút sự chú ý của giới đầu tư không chỉ vì quy mô niêm yết hàng đầu thị trường, mà còn do dư âm của đợt IPO đình đám từ gần 2 năm trước. Việc ngân hàng này xin phát hành thêm 112 triệu cổ phiếu dành cho cổ đông hiện hữu như một cách "đền bù" cho những người đã mua với giá đấu cao khi IPO cũng gây ra nhiều tranh cãi trong giới đầu tư.
Trước khi lên niêm yết, VCB được kỳ vọng sẽ dẫn dắt xu hướng các cổ phiếu ngân hàng khác, nhóm đang có vốn hóa lớn nhất thị trường. Song vai trò của cổ phiếu này đến nay chưa thể hiện rõ nét như được kỳ vọng.
Bảo Việt và Vietinbank
Niêm yết cách nhau khoảng 3 tuần, cùng là những định chế tài chính lớn hàng đầu thị trường, 2 đơn vị này có cách "trình làng" khác biệt.
Bảo Việt (BVH) đưa lên niêm yết toàn bộ 573 triệu cổ phiếu, tương ứng 100% vốn điều lệ, một cách khá lặng lẽ, và không đưa ra phát ngôn nào về kỳ vọng giá. Giá chào sàn cũng được công bố bằng một nửa giá đấu thành công bình quân. Trong xu thế chung của thị trường, BVH sau đó rơi xuống dưới giá chào sàn và ít khi vượt qua được mức 40.000 đồng mỗi cổ phiếu. Bảo Việt hiện là một trong 2 doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam đã tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, là tập đoàn HSBC.
CTG lên sàn vào tháng 7 vừa qua. Ảnh: Vietinbank. |
Riêng Vietinbank (CTG) có đợt chào sàn khá ồn ào, với nhiều tuyên bố mạnh miệng của lãnh đạo ngân hàng về giá trị và giá cả của cổ phiếu này. Ngay trước khi CTG lên sàn, trong bối cảnh thị trường đang lao dốc, lãnh đạo Vietinbank khẳng định lẽ ra giá chào sàn phải là "8 chấm", cao hơn hẳn mức "5 chấm" mà ngân hàng đưa ra. Vietinbank đưa lên niêm yết 121,2 triệu cổ phiếu phổ thông tại HOSE, với vốn hóa trên 34.000 tỷ đồng, lớn thứ hai thị trường. CTG ngay sau đó cũng giảm giá, một phần do diễn biến chung của thị trường, một phần do giới đầu tư chốt lời, bởi giá chào sàn cao gấp đôi giá đấu thành công.
Eximbank
Gần 880 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam (EIB) được đưa lên giao dịch vào cuối tháng 10 vừa qua, với tổng giá trị cổ phiếu niêm yết là 8.762 tỷ đồng. EIB trở thành cổ phiếu vốn hóa lớn thứ sáu thị trường, với trên 21.000 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu ngân hàng thứ tư chào sàn trong năm nay, sau SHB, VCB và CTG.
Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn
SQC là một trong những cổ phiếu chào sàn cuối cùng trong năm, nhưng nằm trong số những doanh nghiệp có vốn hóa lớn. Công ty này có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và vốn hóa trên 10.500 tỷ đồng. Đây là một doanh nghiệp niêm yết nữa thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn của ông chủ Đặng Thành Tâm.
Công ty CP Tập đoàn Ma San
Tập đoàn Ma San đưa vào giao dịch trên 476 triệu cổ phiếu MSN vào tháng 11 và lập tức trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ tám thị trường, với trên 16.700 tỷ đồng. Tập đoàn Masan gồm nhiều ngành nghề như công nghệ thực phẩm, bất động sản, khai thác khoáng sản, công nghiệp, thực phẩm Masan.
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội
Cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội chào sàn vào cuối tháng 4 và sau đó tăng gấp 4 lần khối lượng niêm yết, với 200 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Hiện cổ phiếu này có vốn hóa trên 4.400 tỷ đồng, lớn thứ năm trên sàn Hà Nội.
Ngọc Châu